Tò mò – kỹ năng hàng đầu của tương lai?

Nếu một doanh nghiệp đang tìm kiếm ứng viên để sẵn sàng cho những dự án phát triển trong tương lai thì sự tò mò là một yếu tố hàng đầu cần xem xét.

Trẻ con luôn khiến các bậc cha mẹ phải “đau đầu” với các câu hỏi “Tại sao?” gần như là vô tận, đó là biểu hiện đặc trưng của tính tò mò không thể kiềm chế. Tuy nhiên, khi càng lớn chúng ta sẽ càng hạn chế sự tò mò đi vì nhiều yếu tố từ môi trường bên ngoài đến cái tôi của bản thân. Theo một cuộc khảo sát với 3.000 nhân viên do Francesca Gino, Harvard thực hiện: chỉ 24% cho biết họ thường xuyên cảm thấy tò mò trong công việc và 70% cho biết họ gặp phải rào cản khi đặt nhiều câu hỏi khi làm việc.

Tuy nhiên trong tương lai, sự tò mò sẽ rất quan trọng trong môi trường làm việc. Sự tò mò thúc đẩy việc học hỏi và trao đổi ý tưởng, giúp người lao động giao tiếp với nhau tốt hơn và khích lệ sự đổi mới. “Khi chúng ta tò mò,” Francesca đã viết trong một bài báo trên Harvard Business Review, “chúng ta nhìn nhận các tình huống khó khăn một cách sáng tạo hơn.”

Trong cuộc trò chuyện giữa Francesca và Chuck Edward, phó chủ tịch bộ phận nhân sự của Microsoft, Francesca trích dẫn một nghiên cứu khác của Harvard khi hỏi 1.500 giám đốc điều hành của những công ty toàn cầu “Kỹ năng nào sẽ cần thiết nhất khi các công ty trải qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.” Ba lựa chọn hàng đầu là: Khả năng thích ứng, sáng tạo và tính tò mò.

Để thúc đẩy sự tò mò trong tổ chức, chúng ta có 5 cách sau

1. Ưu tiên tìm kiếm những ứng viên “tò mò”

Mặc dù Francesca tin rằng sự tò mò có thể được phát triển qua thời gian, bạn cũng có thể thuê những công nhân có tính tò mò bẩm sinh. Sự tò mò này thường trở nên rõ ràng trong quá trình phỏng vấn.

Theo Chuck, anh thường chú ý đánh giá sự tò mò của ứng viên ở phần cuối, lúc mà ứng viên đặt những câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng. “Họ đặt một câu hỏi an toàn, một câu hỏi mà họ đã chuẩn bị từ trước?”, Chuck cho biết “Hay là một câu hỏi mang tính chất xây dựng, dựa trên những thông tin từ buổi phỏng vấn.”. Đó là lúc Chuck sẽ đánh giá xem trong tương lai, ứng viên này có thể giúp công ty phải đặt câu hỏi “Tại sao trước đây ta lại làm theo cách này?” hay “Chúng ta có bao giờ xem xét đến vấn đề kia chưa?”

Bạn cũng có thể chủ động đưa ra những câu hỏi đánh giá mức độ tò mò của ứng viên. Ví dụ, nhóm tuyển dụng tại Google đã hỏi các ứng viên: “Đã có bao giờ bạn đối mặt với một vấn đề mà bạn chưa gặp bao giờ, nó khiến bạn phải liên tục tìm hiểu nó chưa? Nó là gì và tại sao bạn lại kiên trì đến thế?”

2. Tạo không gian an toàn, nơi mọi người cảm thấy tự do tò mò

Cả Francesca và Chuck đều đồng ý rằng sự tò mò đòi hỏi một số yêu cầu nhất định: Bạn cần cảm thấy thoải mái khi đặt câu hỏi (ngay cả những câu hỏi có vẻ ngu ngốc) và bạn phải dũng cảm để thể hiện rằng bạn không biết gì về một chủ đề nào đó.

Chuck nói “Tôi nghĩ câu hỏi làm thế nào để bạn tạo ra đủ một không gian an toàn, nơi nó thực sự lành mạnh và khuyến khích sự tò mò (trở lại)? Ai sẽ là người đầu tiên trong phòng đặt ra câu hỏi mà tất cả chúng ta đều đang nghĩ đến (nhưng không dám hỏi)? ”

Chuck chỉ ra rằng các cuộc họp online đã giúp việc tạo ra những không gian an toàn hơn, đặc biệt là thông qua việc sử dụng các chức năng: trò chuyện và giơ tay. “Việc họp online nó cho mọi người không gian để suy nghĩ và đặt câu hỏi. ”

3. Nhà lãnh đạo hãy làm mẫu về sự tò mò

Các nhà lãnh đạo có thể khuyến khích người lao động tò mò bằng cách tự tìm hiểu .

Các nhà lãnh đạo thường muốn xây dựng hình ảnh người sếp đáng tin cậy và có trách nhiệm, vì vậy họ có thể sợ đặt những câu hỏi thể hiện sự thiếu hiểu biết của họ về điều gì đó. Nhưng nghiên cứu của Francesca đã chỉ ra rằng khi người lao động và lãnh đạo thể hiện sự tò mò bằng cách đặt câu hỏi, mọi người có xu hướng thích nhau hơn và đánh giá họ là người có năng lực hơn.

Bằng cách này, các nhà quản lý có thể đặc câu hỏi và lắng nghe câu trả lời từ mọi người, hãy khiến người khác cảm thấy an toàn khi làm như vậy. “Các nhà lãnh đạo,” Chuck nói, “phải dám thừa nhận rằng họ không có câu trả lời cho mọi vấn đề và dũng cảm đặt câu hỏi.” Ông nói thêm rằng tại Microsoft, các nhà lãnh đạo (bao gồm cả CEO) là kiểu người tò mò và sẵn sàng học hỏi ngay từ cấp dưới mình. Ông gọi đây là “tư duy phát triển”, một thuật ngữ phổ biến của nhà tâm lý học Carol Dweck của Stanford, tác giả của Mindset: The New Psychology of Success (sách Mindset: Tâm Lý Học Thành Công)

“Với tư cách là những nhà lãnh đạo, chúng ta cần khuyến khích nhau tìm ra những cách suy nghĩ khác về mọi thứ. Chúng ta có thể thay đổi từ ‘Tôi chỉ đang thông báo một chuyện’ chuyển thành tôi thực sự quan tâm đến suy nghĩ của mọi người trong phòng và đảm bảo rằng mọi người có thể thoải mái đặt câu hỏi mà mọi người đang thắc mắc.” – Chuck Edward

4. Khuyến khích nhân viên khám phá sở thích của họ

Có một sự thật về sự tò mò là bạn không thể ép buộc nó. Tâm trí của mọi người có xu hướng bị thu hút bởi những thứ họ quan tâm nhất. Nhưng nơi làm việc thường nghiêng về các khóa đào tạo (được khuyến nghị hoặc bắt buộc). Chuck cho rằng “Chúng ta không tạo đủ không gian để cho ai đó lập kế hoạch học tập của riêng họ dựa trên những lĩnh vực mà họ thực sự tò mò và muốn tìm hiểu.”

Anh ấy dẫn ra một ví dụ từ cuộc sống của chính mình để minh họa việc để tâm trí thoải mái có thể giúp ích như thế nào trong công việc. Khi rảnh rỗi, Chuck thích nghe các cuộc phỏng vấn của các nhạc sĩ và nghệ sĩ hài nói về cách họ viết một bài hát hoặc tạo ra một vở hài kịch. “Mỗi khi tôi nghe một trong những cuộc phỏng vấn này,” anh ấy nói, “Tôi nhận ra: Chà, có rất nhiều kiến thức liên quan mà tôi có thể áp dụng vào trong công việc của mình”. Anh ấy nói thêm rằng những cuộc phỏng vấn này sẽ không bao giờ được đưa vào bất kỳ khóa đào tạo nào, nhưng chúng truyền cảm hứng cho chúng ta và giúp ta nhìn ra các giải pháp sáng tạo hơn.

5. Nhấn mạnh sự tò mò và ham học hỏi chính là “bản năng của mỗi người”

Tất nhiên, sẽ là một thách thức để tạo ra môi trường cho sự tò mò này ở trong doanh nghiệp. Francesca nói “Ngày nay lịch làm việc của chúng tôi trông giống như những chiếc bánh kếp xếp chồng lên nhau”. Chuck nói thêm rằng kẻ thù của sự tò mò chính là thời hạn và áp lực, tất cả đều có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức . Nhưng Chuck nói rằng, bất cứ khi nào có thể, hãy dành thời gian và chừa chỗ cho sự tò mò, cho dù đó là những việc như dậy sớm để tập thể dục, thiền định hay đi dạo.

Francesca nói rằng sự tò mò thực chất rất đơn giản, như một “thói quen của tâm trí” và cô ấy chỉ ra ví dụ của Cơ trưởng Chesley “Sully” Sullenberger, người đã điều khiển một một chiếc máy bay hạ cánh an toàn ở sông Hudson vào năm 2009, sau khi một đàn chim bay vào máy bay và vô hiệu hóa cả hai động cơ. Anh ấy đã có thói quen mỗi khi rời khỏi nơi làm việc (sân bay), anh luôn tự hỏi bản thân “Hôm nay mình có thể học thêm điều gì?” và nhắc nhở bản thân luôn tò mò, học hỏi để chuẩn bị cho những điều bất ngờ

Khi điều bất ngờ xảy ra, anh có 208 giây để đưa ra quyết định. Francesca nói: “Anh ấy liên tục đặt câu hỏi, mở ra rộng số giải pháp. Sau đó anh loại bỏ hầu hết các lựa chọn một cách nhanh chóng, cho đến khi còn lại giải pháp tốt nhất. Kết quả là anh ta hạ cánh máy bay xuống sông Hudson và tất cả 155 người trên máy bay đều sống sót”.

Khi bạn chăm sóc bản thân bằng cách ăn uống đầy đủ, tập thể dục và ngủ đủ giấc, bạn sẽ có được trạng thái tâm lý ổn định và sự bình tĩnh, tự tin – nơi mà sự tò mò sẽ phát triển.

Tại sao sự tò mò trở nên quan trọng trong thời đại hiện nay

Như ví dụ của Sully cho thấy, tò mò là một “kỹ năng” có giá trị cao trong những thời điểm hỗn loạn và không chắc chắn. “Và đây là thời điểm của những thứ không chắc chắn,” Chuck nói. “Chúng tôi không có tất cả các câu trả lời cho những vấn đề hiện tại.”

Tuy nhiên, ông nói thêm:

“Chúng ta càng tạo ra nhiều môi trường mà mọi người thoải mái đặt câu hỏi với nhau một cách xây dựng cùng với sự tò mò thì chúng ta càng có nhiều khả năng đi đến giải pháp tốt nhất”.

Nguồn tham khảo

Bình luận ( 0 bình luận )

Bình luận của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
*