Công việc của bạn có bị đe doạ bởi ‘tự động hoá’?

Robot sẽ thay thể con người trong tương lai. Nhiều người sẽ mất việc vì sự phát triển của công nghệ tự động hoá. Có thể bạn đã nghe nhiều về chủ đề này nhưng chưa thực sự cảm nhận hay tưởng tượng ra được sự thay thế đó sẽ diễn ra như thế nào. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời cũng như giải quyết được mối băn khoăn: “Liệu công việc của mình có đang bị đe doạ bởi robot không?”

Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn McKinsey & Company, khoảng một phần ba công nhân có thể “nhường lại” một phần hoặc toàn bộ công việc của họ cho robot và trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.

Thông thường, bạn chỉ nghĩ những công việc sẽ bị thay thế là những công việc mang tính lặp đi lặp lại theo chu kỳ và không đòi hỏi nhiều kỹ năng. Tuy nhiên, công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) đã thay đổi hoàn toàn nhận định này. Không chỉ những công việc lặp đi lặp lại mà cả những việc sử dụng máy tính cũng sẽ bị ảnh hưởng. Công nghệ AI được cho là ít rủi ro, ít sai số và ít tốn kém hơn so với con người.

Chúng ta sẽ mất việc?

Mặc dù nghe có vẻ đáng báo động nhưng các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng hầu hết công việc mà chúng ta đang làm sẽ bị thay đổi chứ không biến mất hoàn toàn. Điều này có nghĩa là trong tương lai bạn cần phải thay đổi để chuẩn bị cho sự gia tăng của robot và trí tuệ nhân tạo tại nơi làm việc.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là làm thế nào để sẵn sàng cho sự gia tăng đó? Những kỹ năng cần thiết nào để bạn đảm bảo mình không bị robot “vượt mặt”? Trước đó chúng ta hãy đến với câu hỏi robot làm được gì?

Robot sẽ đảm nhận những công việc nào?

Hãy yên tâm là đa số vị trí công việc vẫn còn ngay cả khi việc đó đã tự động hoá. Ít hơn 5% công việc sẽ bị robot thay thế hoàn toàn. Thay vào đó, máy tính sẽ đảm nhiệm các đầu việc cụ thể mà nó có thể hoàn thành hiệu quả hơn hoặc tiết kiệm chi phí hơn so với con người. Tất nhiên, nó bao gồm các công việc lặp đi lặp lại hoặc các công việc “có thể dự đoán được” (dựa vào trí thông minh nhân tạo).

Vận chuyển hàng hoá, vận hành máy móc, thu thập và xử lý dữ liệu chính là những việc mà robot hoàn toàn xử lý được. Chăm sóc sức khoẻ là ngành được dự đoán sẽ có nhiều sự chuyển đổi nhất bởi tự động hoá.

Thật ra, tất cả mọi người ở đây chắc chắn đều đã chứng kiến những công việc ngày xưa mà giờ đã được đảm nhiệm bởi máy tính. Tuy nhiên, những thay đổi này sẽ có tác động đến một số ngành nhất định nhiều hơn so với những ngành khác. Một số lĩnh vực nhiều khả năng có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng “công nhân robot” bao gồm:

Thi công, xây dựng

Tin tốt trước! Nhu cầu về cơ sở hạ tầng, xây dựng đang tăng lên, các toà nhà, chung cư “mọc” lên rất nhiều, nhu cầu cải thiện đường xá cũng gia tăng theo thời gian. Tuy nhiên, có một số nhiệm vụ trong ngành xây dựng tỏ ra “lý tưởng” dành cho robot. Nó bao gồm những việc lao động chân tay (có thể dự đoán) như vận hành thiết bị xây dựng, phá dỡ, lắp đặt và sửa chữa cơ bản.

Các công việc và nhiệm vụ đòi hỏi chuyên môn cao hơn bao gồm xây dựng phức tạp, quản lý công trường có thể sẽ không bị thay thế bởi robot trong thời gian tới.

Ngành F&B (Food and Beverage)

Ngành F&B đã chứng kiến sự gia tăng của tự động hoá. Điều này đặc biệt xảy ra ở các nhà hàng thức ăn nhanh – nơi thường tập trung vào tốc độ và sự hiệu quả. Máy tính có thể giúp khách hàng đặt đồ ăn và thanh toán nhanh hơn. Chúng ta cũng đã thấy máy rửa bát đĩa, tuy nó chưa phổ biến nhưng vẫn đang dần phát triển. Thậm chí trong tương lai, robot hoàn toàn có khả năng “nấu ăn” hay ít nhất là sơ chế, chuẩn bị món ăn.

Tuy nhiên, vẫn sẽ có chỗ cho những dịch vụ ăn uống liên quan đến sự sáng tạo và kỹ năng chuyên môn như đầu bếp, phụ bếp tại các quán ăn, nhà hàng sang trọng cũng như cần đến sự tương tác giữa người với người (nhân viên phục vụ, bồi bàn tại các nhà hàng – nơi chú trọng đến dịch vụ khách hàng). Các vị trí quản lý cửa hàng cũng yêu cầu những người có kỹ năng giám sát tốt – thứ mà robot khó xử lý được ở thời điểm hiện tại.

Chế tạo, sản xuất

Không cần chờ đến tương lai nữa, robot hiện tại đã có mặt ở lĩnh vực sản xuất, dẫn đầu là ngành công nghiệp ô tô. Sự hiện diện của robot ngày càng nhân rộng một cách nhanh chóng khi công nghệ được cải thiện và chi phí cho robot giảm xuống. Nhiều công việc trong khâu sản xuất (lắp rạp, chế tạo,…) lặp đi lặp lại hoặc có thể dự đoán được, đã được máy móc đảm nhận phần nào và xu hướng sẽ tiếp tục tăng lên nữa.

Nhà máy Mega của Vinamilk làm tự động hóa các khâu sản xuất từ chiết rót, tiệt trùng cho đến đóng gói, đóng thùng và chất lên tấm kê hàng (pallet). Nestle Việt Nam ứng dụng robot trong kho hàng giúp năng suất tăng lên đáng kể, tiết kiệm 50% nhân lực, hàng hóa an toàn và dễ dàng quản lý. Đây là một vài ví dụ cho việc robot thay thế con người ở ngay Việt Nam chúng ta.

Hành chính văn phòng

Nghe “gần gũi” quá phải không nào. Những người làm việc trong bộ phận hỗ trợ hành chính hay các nhiệm vụ mà máy tính có thể đảm nhận như đặt lịch hẹn, trả lời cuộc gọi đơn giản, nhập dữ liệu và làm báo cáo là những công việc được dự đoán sẽ bị thay thế bởi máy tính, trong một tương lai gần.

Bằng chứng là TPBank cũng đã ứng dụng robot, công nghệ vào hoạt động như mở các LiveBanking thay cho việc mở một chinh nhánh lớn. Khách hàng có thể thực hiện gần như mọi giao dịch thông qua máy tự động này hoặc kết nối với nhân viên hỗ trợ trực tuyến.

Các công việc hành chính như thư ký, trợ lý pháp lý, quản lý văn phòng và nhiều công việc trong số đó vẫn cần đến sự tham gia của con người, có lẽ sẽ khó tự động hóa hơn.

Ngành bán lẻ

Nhiều chuỗi bán lẻ, siêu thị lớn đã áp dụng tự động hoá một số nhiệm vụ. Ví dụ tiêu biểu thanh toán tự động đang ngày càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, nhưng nó chỉ mới bước đầu. Robot và máy tính đang được sử dụng cho các nhiệm vụ cơ bản như chất hàng lên kệ, kiểm tra hàng tồn kho và dọn dẹp lối đi. Tất nhiên, các của hàng chú trọng đến dịch vụ và trải nghiệm khách hàng vẫn sẽ thuê các nhân viên bán hàng để tương tác và xây dựng mối quan hệ với người dùng.

Ngoài ra thì những công việc có khả năng sẽ bị thay thế ngày càng nhiều, bao gồm dịch vụ giao hàng, giao dịch viên ngân hàng, nhân viên bảo hiểm bảo lãnh,…

Vậy thì công việc nào sẽ an toàn?

Một số những tác vụ vẫn chưa thể sao chép bởi máy tính. Ví dụ, máy tính không thể biểu hiện sự đồng cảm hoặc tương tác với mọi người theo cách con người có thể. Do đó, các công việc liên quan đến việc chăm sóc người khác (bao gồm y tá, nhà tâm lý học, giáo viên, nhân viên xã hội,…) thường sẽ luôn an toàn trước làn sóng “tự động hóa”.

Bất kỳ vị trí nào yêu cầu kỹ năng quản lý trực tiếp con người cũng có thể sẽ không thể bị tự động hóa. Đó là bởi vì robot và máy tính không có trí tuệ cảm xúc và kỹ năng để giám sát con người (ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại). Những công việc liên quan đến sự sáng tạo —nhà văn, nghệ sĩ, nhà thiết kế đồ họa — cũng ít có khả năng trở thành mục tiêu của tự động hóa.

Như đã nói ở trên, các công việc mang tính chất “có thể dự đoán được” sẽ trở nên tự động hóa. Ngược lại, những việc “không thể dự đoán” sẽ không thể bị thay thể bởi robot Ví dụ, các công việc diễn ra ngoài trời (chẳng hạn như làm vườn) hoặc làm việc với đối tượng “không thể dự đoán được” – trẻ em (ví dụ là nghề giữ trẻ) sẽ “miễn nhiễm” với tự động hoá.

Ngoài ra thì bất kỳ công việc nào đòi hỏi trình độ học vấn hoặc chuyên môn sâu rộng cũng ít có khả năng bị người máy đảm nhiệm. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng một số nhiệm vụ nhất định trong mỗi công việc này vẫn có thể được tự động hóa.

Nói đơn giản hơn thì, robot sẽ đảm nhiệm một số việc nhỏ ở trong cả một công việc chính. Chẳng hạn, sự tiếp xúc và kết nối giữa y tá, bác sĩ và bệnh nhân là gần như không thể thay thế nhưng phân tích và chẩn đoán bệnh, đọc kết quả X-Quang,… là hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ để thay thế.

Chúng ta cần làm gì để chuẩn bị cho thời đại “tự động hoá”?

Đừng để những thông tin trên làm bạn sợ hãi hoặc muốn… bỏ việc. Có rất nhiều thứ mà bạn có thể làm để đảm bảo cho con đường sự nghiệp của mình trong một thế giới ngày càng tự động hoá.

  • Rèn luyện kỹ năng mới: Hãy dành thời gian để phát triển các kỹ năng mà robot không thể thực hiện được. Phát triển khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý, khả năng sáng tạo và trí tuệ cảm xúc của bạn. Nếu bạn có thể làm nổi bật những kỹ năng này, bạn sẽ biến mình thành một thành viên vô giá của bất kỳ đội nhóm nào và tất nhiên là không thể thay thế bởi một chiếc máy tính nào.
  • Khởi động lại con đường học vấn: Những công việc đòi hỏi trình độ học vấn cao ít có khả năng bị rô-bốt thay thế, một phần vì sẽ mất quá nhiều thời gian và năng lượng để dạy tất cả các thông tin đó cho máy tính. Học chuyên sâu vào một chủ đề cụ thể liên quan đến công việc của bạn là một cách tuyệt vời để khiến bạn trở nên khác biệt và không thể thiếu. Ngày nay, không khó để bạn tìm học những khoá học chất lượng trực tuyến, thậm chí có chứng chỉ, bằng cấp.
    Đó là lý do mà tại Synnex FPT, nhân viên luôn được chú trọng việc học tập và nâng cao kiến thức, được tiếp cận với các khoá học trên Coursera hay Udemy. Các khoá học offline cũng được công ty tổ chức thường xuyên cho cán bộ nhân viên tham dự.

Các bạn có thể xem thêm các vị trí đang tuyển dụng tại Synnex FPT

  • Kỹ năng thích ứng: Mặc dù công việc của bạn không có nguy cơ rơi vào tay robot nhưng nếu bạn thành thạo kỹ năng thích ứng, bạn sẽ thấy được sự thay đổi rõ rệt trong các công việc thường ngày.
  • Làm việc cùng robot: Cùng với sự gia tăng của “tự động hoá”, các cơ hội làm việc mới cũng sẽ xuất hiện. Ví dụ, mọi người sẽ phải giám sát và khắc phục sự cố của máy tính tại nơi làm việc. Nếu bạn là người quan tâm đến máy và công nghệ, hãy xem xét đến việc chuẩn bị những kiến thức để sẵn sàng làm việc cùng robot.
  • Đừng lo lắng: Hãy nhớ rằng theo các nghiên cứu đã tuyên bố rằng hầu hết các công việc sẽ không bị mất vào tay robot—thay vào đó, nhiều công việc sẽ có thể thay đổi. Do đó, đừng hoảng sợ. Đừng nghĩ đến việc rời bỏ ngành hay công việc hiện tại vì lo sợ một ngày nào đó sẽ bị robot thay thế. Thay vào đó, hãy tập trung phát triển và làm tốt nhất công việc hiện tại, rèn luyện khả năng thích nghi và sẵn sàng làm việc cùng robot, tự động hoá hay AI.

Nguồn tham khảo

Bình luận ( 0 bình luận )

Bình luận của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
*