Chuyển việc trái ngành, làm sao để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng

Có nhiều lý do để bạn quyết định chuyển sang một lĩnh vực hoặc ngành nghề mới. Có thể vì tìm được niềm đam mê thực sự của mình hoặc muốn tìm cảm hứng, thử sức bản thân ở một lĩnh vực mới, hay đơn giản là vì cảm thấy công việc mới đó phù hợp hơn. Dù là vì lý do gì thì việc chuyển sang một lĩnh vực mới như một bước nhảy (lên hoặc xuống?) nhưng chắc chắn bạn sẽ gặp một vài khó khăn ở giai đoạn chuyển giao này.

Chính vì vậy, những bước chuẩn bị là vô cùng cần thiết để bạn xin việc trái ngành. Có thể không nhất thiết là bạn phải được đào tạo chuyên môn bài bản cho công việc mới nhưng sau đây là những thứ mà ít nhất bạn phải làm được nếu muốn chuyển nghề và thu hút nhà tuyển dụng.

Nâng cao trình độ để tăng cơ hội cho chính mình

Như đã nói, bạn có thể không cần hoàn thành một khoá đào tạo dài hạn như học đại học hay những chứng chỉ cao cấp. Tuy nhiên, bạn cần một hoặc một vài khoá học ngắn hạn để nâng cao kỹ năng chuyên môn cũng như xây dựng sự tự tin của bạn, nếu may mắn hơn bạn có thể mở rộng mạng lưới quan hệ và tìm được cơ hội nghề nghiệp mới.

Không quan trọng là khoá học đắt tiền hay miễn phí, chỉ cần bạn có thể tích luỹ kiến thức và nâng cao trình độ. Các buổi hội thảo, offline hay webinar cũng là một lựa chọn không tồi để bạn bắt kịp với mặt bằng chung.

Điều quan trọng nhất là bạn phải xác định được đâu là những kiến thức, kỹ năng cốt lõi và cần thiết nhất cho lĩnh vực mới này. Hãy bắt đầu từ đó!

Nghiên cứu về lĩnh vực mà bạn quan tâm

Bên cạnh kiến thức và kỹ năng chuyên môn thì sự hiểu biết của bạn về ngành mới cũng đóng một vai trò quan trọng không kém. Hãy xây dựng một sự hiểu biết căn bản về ngành nghề, thị trường và lịch sử cũng như tính đặc thù của ngành đó.

Đọc blog, bản tin ngành và tham dự các sự kiện trong ngành (online lẫn offline) đều là những cách tuyệt vời để bạn bước những bước chân đầu tiên vào vùng đất mới – nơi mà bạn đang hướng tới. Hành động này có thể giúp bạn đánh giá những kỹ năng cần có để có thể chuyển giao và xác định những lỗ hổng kiến thức mà bạn cần giải quyết trước khi thay đổi nghề nghiệp.

Ở thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như ngày nay, việc tìm kiếm những “chuyên gia đầu ngành” hay những công ty đi đầu trong lĩnh vực để theo dõi và học hỏi kiến thức là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Theo dõi những bài đăng của họ trên mạng xã hội không những giúp bạn nâng cao trình độ và kiến thức mà còn cho bạn một cái nhìn khách quan về lĩnh vực mà bạn sắp tham gia.

Làm nổi bật những kỹ năng hữu ích cho quá trình chuyển giao

Đừng đánh giá thấp những kỹ năng mà bạn có được ở lĩnh vực cũ. Nhiều kỹ năng có thể vẫn hữu dụng khi chuyển giao giữa các ngành đặc biệt là các kỹ năng mềm như giao tiếp, lên kế hoạch, đàm phán, giải quyết vấn đề,…

Hãy làm nổi bật những kỹ năng của bạn trước nhà tuyển dụng để chứng minh cho họ thấy bạn là một ứng viên tiềm năng. Nếu có thể, bạn hãy chuẩn bị trước câu chuyện về những vấn đề mà bạn đã từng trải qua và cách mà bạn vận dụng các kỹ năng đó để giải quyết nó. Các nhà tuyển dụng thích nghe những câu chuyện bạn kể hơn là việc nói suông về bản thân.

Chỉnh sửa lại sơ yếu lý lịch, CV và thư xin việc để phù hợp hơn với vị trí mới

Đây là việc tối thiểu mà bạn phải làm khi tìm kiếm cho mình một chỗ đứng ở miền đất mới. Chưa bàn đến kỹ năng thực tế thì nhà tuyển dụng ít nhất cần phải thấy được động lực và quyết tâm của bạn khi “đổi nghề”. Bên cạnh đó, những kiến thức mới và những kỹ năng hữu ích là những thứ nhà tuyển dụng cần tìm ở bạn chứ không phải những kinh nghiệm mà bạn có ở ngành nghề cũ.

Khi bắt đầu lại ở một lĩnh vực mới, chắc chắn bạn không có những kinh nghiệm trong ngành để điền vào CV. Vì vậy, hãy bắt đầu với những kỹ năng mà bạn có và bạn cho là nó sẽ hữu ích trong ngành mới. Thêm vào đó những chứng chỉ, khoá học mà bạn đã hoàn thành để nâng cao giá trị của bản thân cũng như gây ấn tượng với nhà tuyển dụng rằng bạn đang thực sự nghiêm túc với bước đi mới này.

Chuyển nghề đồng nghĩa với việc bạn đã bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Sẽ luôn có những khó khăn và đôi khi sẽ khiến bạn nao núng. Tuy nhiên, nếu đã quyết định, hãy dành tất cả nhiệt huyết và khả năng của bản thân để “cháy hết mình” với nó. Bởi lẽ, dù thành hay bại thì đó chắc chắn đều sẽ là một “cột mốc” mà bạn sẽ nhớ mãi trên con đường sự nghiệp của mình.

Bình luận ( 0 bình luận )

Không có bình luận nào.

Bình luận của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
*