Trong hành trình nuôi giữ đam mê cho sự nghiệp, bạn đã không ít lần đối mặt với những lựa chọn. Có thể bạn không được chọn cho mình một hoàn cảnh sống, nhưng bạn có thể lựa chọn một thái độ của mình trước hoàn cảnh đó. Một thái độ đúng đắn sẽ vạch ra cho bạn ngàn lối đi để chạm đến ngưỡng của thành công.
Thái độ đúng chuẩn mực và luôn được khuyến khích duy trì mỗi ngày đó là thái độ tích cực. Kì diệu rằng, khi sở hữu một thái độ tích cực có thể thay đổi quỹ đạo cuộc sống một cách tự nhiên và hỗ trợ sự thuận tiện cho công việc nếu bạn biết cách khai thác và tối ưu cảm xúc của mình.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ khoá “thái độ tích cực” lại lọt top khích lệ tinh thần trong cả công việc lẫn đời sống của nhiều người. Hơn hết, một thái độ tích cực luôn được “ví von” như chìa khoá mở sự thành công trong mọi lĩnh vực và sự viên mãn hạnh phúc trong từng khoảnh khắc mỗi ngày.
Vì sao thái độ tích cực lại quan trọng?
Thái độ tích cực mà ai đó đang sở hữu đều không phải dễ dàng mà có được. Cũng bởi vì con người chúng ta luôn có xu hướng tập trung vào những luồng suy nghĩ tiêu cực nhiều hơn là tích cực.
Bạn biết không? Não bộ luôn có một cuộc chiến giữa sự vỗ về tuyệt vời của dopamine (hormone hạnh phúc) và cái tát tiêu cực của cortisol (hoocmon gây stress). Nói về lợi thế vận hành, não của bạn yêu thích cortisol hơn nên vì thế những suy nghĩ tiêu cực đến dễ dàng hơn những suy nghĩ tích cực.
Cũng vì những sự vận hành kỳ lạ của não bộ sẽ là câu trả lời thỏa mãn nhất về lý do, tại sao phải chuyển hướng các quá trình suy nghĩ và chỉ nên tập trung vào điều tích cực mỗi ngày.
Bạn chưa thể duy trì một thái độ tích cực cũng vì bạn chưa hiểu rõ những lợi ích giá trị về tư duy mà nó mang đến, cùng “ngẫm nghĩ” nhé:
Biến ‘không thể’ thành ‘có thể’
Trong doanh nghiệp, điều quan trọng là phải biến “không thể” thành “có thể”. Cho dù bạn là một doanh nhân đang theo đuổi ước mơ của mình hay một CEO đang cố gắng thúc đẩy nhóm của mình, thì niềm tin thành công có thể giúp dẫn dắt bạn đến với mục tiêu của mình.
Thay vì lo lắng về những điều tiêu cực có thể xảy ra với một dự án mới tại nơi làm việc, hãy hình dung kết quả cuối cùng – sự thành công rực rỡ của dự án. Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực và tạo ra một hình ảnh tích cực về sự thành công có thể có tác dụng cực kỳ mạnh mẽ đấy
Xây dựng những mối quan hệ lành mạnh chất lượng cao
Không thể phủ nhận, chúng ta luôn bị thu hút bởi những người có năng lượng tích cực, lợi thế của những người sở hữu thái độ tích cực đúng chuẩn mực là sự kết nối dễ dàng cho những người có cùng quỹ đạo phát triển với bạn.
Chính điều này sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn khi bước ra khỏi vùng an toàn của mình so với những người suy nghĩ tiêu cực. Gỡ bỏ những khoảng cách và hiềm khích vô hình và giải quyết những vấn đề tiêu cực một cách khách quan theo hướng đơn giản hóa mọi vấn đề.
Tăng khả năng phục hồi và làm mới năng suất mỗi mỗi ngày
Chẳng có kế hoạch nào diễn ra theo đúng kỳ vọng hấp dẫn ban đầu bởi luôn có những thử thách bủa vây, sẵn sàng chen chân vào bất cứ khi nào có cơ hội. Sự thất vọng thường diễn ra theo chu kỳ, làm phân tâm và cướp đi những khoảng lặng để phân tích cách thức và lý do bạn xử lý thông tin trước một vấn đề nào đó.
Thay vì cứ đắm mình mãi trong sự bực tức, oán than, tiếc nuối và trượt dài theo những chướng ngại không mong muốn. Hãy “lên dây cót tinh thần” nạp thêm suy nghĩ tích cực sẽ lập tức kích thích bộ não của bạn để đảm bảo rằng nó đang vận hành và chuyển đúng định hướng tốt nhất.
Làm thế nào để nuôi giữ thái độ tích cực mỗi ngày?
Thách thức những suy nghĩ tiêu cực
Hãy biết nâng cảm xúc của chính mình vào những khoảnh khắc quyết định. Đứng trước những vấn đề còn đang nhiều phân định, hãy nhanh chóng kiếm những điều tốt đẹp đang xảy ra xung quanh bạn và tập trung vào chúng khi bạn cảm thấy triển vọng tích cực của mình đang giảm sút.
Khi trung vào bức tranh toàn cảnh bạn cảm thấy bản thân không thể khuất phục trước sự tiêu cực, hãy hỏi liệu những thách thức của bạn có quan trọng trong tương lai hay không và đi tiếp nhé.
Thay đổi những thứ thuộc tầm kiểm soát của bạn
Rõ ràng rằng, bạn thể kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống, vì vậy hãy tập trung vào những gì bạn có thể. Trở thành người giải quyết vấn đề và tìm cách cải thiện tình hình của bạn khi mọi thứ diễn ra không như ý muốn.
Trong tầm kiểm soát hiệu quả nhất có lẽ là nhìn lại những gì mình đã làm, đặc biệt là những sai lầm. Sai lầm chỉ đơn giản là một phần của con người, vì vậy hãy cố gắng đừng chăm chăm vào lỗi lầm của bạn. Mỗi sai lầm là một cơ hội học hỏi. Xác định những gì bạn có thể làm khác đi trong tương lai và xem những sai lầm của bạn là cơ hội để cải thiện.
Hoặc nếu bạn không thể tìm ra giải pháp, hãy tìm kiếm những khoảnh khắc có thể dừng lại, ngẫm nghĩ và tự an ủi mình với niềm tin mọi thứ luôn có thể trở nên tốt đẹp hơn mà.
Hãy luôn học cách biết ơn.
Thái độ biết ơn xuất phát từ việc quý những gì mình đang có, quý những gì người khác làm cho mình. Tuy nhiên, có rất nhiều người lại mặc định những gì người khác làm cho mình quá nhiều lần sẽ là nghĩa vụ. Vì điều này đôi khi mang lại những thái độ trách móc, tiêu cực nếu một ngày nào đó không còn được nhận nữa.
Ngoài ra, biết ơn là thái độ tích cực dành cho bất kì ai và cả chính mình. Ghi nhận những điều bạn biết ơn chẳng hạn như thành tích, nỗ lực và các yếu tố tích cực khác trong cuộc sống của bạn sẽ là một đà phát triển thúc đẩy bạn cố gắng mỗi ngày để đạt mục tiêu. Hãy biết ơn sự nỗ lực của bản thân trong quá khứ để đón nhận những kì tích tuyệt vời của tương lai.
Một thái độ tích cực được duy trì mỗi ngày như sự gắn bó khăng khít trong mọi hoạt động phát triển của bạn. Nó chuyển đổi những “thất bại” bỗng trở thành cơ hội “lợi hại”. Thái độ tích cực là ngòi lửa vừa mới chớm nở nên rất cần bạn duy trì để có thể bùng cháy vào thời điểm thành công chạm ngưỡng. Chính sự tự tin đó sẽ thúc đẩy bạn hành động và cách bạn hành động như thế nào sẽ là câu trả lời rằng những điều bạn mơ ước có thể trở thành hiện thực hay không.