Không phải ngẫu nhiên mà văn hoá từ Đông sang Tây đều đề cao sự nỗ lực. Trong thế giới có nhiều biến động, niềm tin “mọi nỗ lực đều sẽ được đền đáp xứng đáng” giúp chúng ta vững tâm để tiếp tục phát triển bản thân.
Nhưng có khi nào niềm tin này cũng trở thành “độc hại”?
Có những cuộc thi dù trước đó bạn có tập trung thế nào thì điểm số cũng không cao. Có những dự án, dù đầu tư tâm huyết thế nào thì đổi lại vẫn là những lời nhận xét không tốt và không suôn sẻ để đi tiếp những giai đoạn tiếp theo.
Những lúc như vậy liệu bạn có thường quay ra tự hỏi: Có phải mình nỗ lực chưa đủ? Hay là, nỗ lực không thực sự mang đến thành công như người ta nói?
Đôi khi vấn đề không nằm ở việc bạn không nỗ lực, hay nỗ lực chưa đủ, mà là nỗ lực quá nhiều với tư duy không phù hợp. Điều này khiến bạn không đạt được kết quả như mong muốn, hay thậm chí còn dẫn tới việc bạn bị kiệt sức về thể chất lẫn tinh thần.
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA NỖ LỰC VÀ NỖ LỰC ĐÚNG CHỖ
Câu chuyện của Rùa và Thỏ, một ví dụ kinh điển, cho thấy rằng chỉ nỗ lực không phải lúc nào cũng đảm bảo kết quả. Điều quan trọng là phải biết đặt nỗ lực vào đúng chỗ. Trong trường hợp của Thỏ, mặc dù có khả năng chạy nhanh nhưng lại tự tin quá mức và thiếu kiên nhẫn, dẫn đến sự chủ quan và cuối cùng là thất bại. Ngược lại, Rùa tuy chậm nhưng lại không ngừng nỗ lực, cho thấy sự kiên định.
Câu chuyện có vẻ đơn giản, nhưng khi đặt vào thế giới thực tại, cuộc đua luôn phức tạp hơn, thay vì chạy 1 vòng là xong thì các cuộc đua thường diễn ra vài vòng trước khi kết thúc. Và những chú rùa không thể thắng nổi những chú thỏ đã học được bài học của mình. Nhưng điều cần rút ra ở đây là, tại sao rùa phải thi chạy với thỏ? Tại sao không phải là thi bơi? Nếu đua bơi ở trong 1 cái hồ thì rùa có thể nghỉ ngơi chán chê để nước tự đưa mình về đích trong khi thỏ đang sặc nước ở góc nào đó.
Mỗi người cần nhận diện đúng điểm mạnh và điểm yếu của bản thân để có thể đưa ra quyết định đúng đắn về nơi và thời điểm cần đặt nỗ lực. Điều này không chỉ giúp ta tiết kiệm thời gian và nguồn lực mà còn tối đa hóa hiệu quả công việc.
NHÂN TÀI KHÔNG ĐƯỢC SINH RA MÀ ĐƯỢC TẠO NÊN.
Theo Malcolm, tác giả của cuốn sách Những kẻ xuất chúng, những người thành công trông có vẻ đã tự thân làm tất cả mọi thứ để tạo ra sự thành công đó. Nhưng trên thực tế, họ là những người được thụ hưởng những lợi thế ẩn giấu và cơ may phi thường mà người khác khó có được.
Những lợi thế ẩn giấu này có thể đến từ:
- Thời điểm và nơi chốn họ ra đời
- Công việc mà cha mẹ họ làm để kiếm sống
- Truyền thống gia đình, chủng tộc, dân tộc
- Bối cảnh kinh tế-xã hội trong quá trình họ trưởng thành
- Những di sản này cho phép họ học hành, làm việc chăm chỉ và nhìn nhận thế giới bằng cách thức mà người khác không thể.
Trong trường hợp của Steve Jobs và Bill Gates, cả hai đều sinh ra vào năm 1955 và sinh sống trong môi trường cho phép họ tiếp xúc với điện tử từ rất sớm. Khi họ 20 tuổi thì thị trường máy tính cá nhân cũng bắt đầu phát triển. Cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, khả năng, tính cách của bản thân và những yếu tố ngẫu nhiên khác như gặp được những người cộng sự tài ba, hay nhờ mối quan hệ của gia đình, niềm đam mê của họ mới có cơ hội tạo nên kỳ tích.
PHÁT HUY TÀI NĂNG VÀ RÈN GIŨA NĂNG LỰC
Có một sự thật rằng năng khiếu bẩm sinh, nếu không được rèn giũa qua nỗ lực và thực hành, sẽ không thể phát triển thành tài năng thực thụ. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh lao động hiện đại, nơi mà kỹ năng và khả năng liên tục được thử thách và cần được cập nhật. Nỗ lực không chỉ là làm việc chăm chỉ mà còn phải làm việc thông minh, bằng cách tập trung vào những kỹ năng có giá trị cao và có tiềm năng với chính bản thân mình. Đặc biệt là khi xung quanh ta, mỗi người đều có những lợi thế và hạn chế khác nhau. Đừng so sánh bản thân với bất kì ai mà hãy tập trung vào những gì mình đang có, đã có và sẽ có. Mỗi cá nhân chúng ta đều có những giá trị riêng, không ai giống ai và đỉnh núi thì vẫn là đỉnh núi, nó sẽ không chạy đi đâu cả. Người kia đến trước, không có nghĩa là ta không đến được.
ĐỐI MẶT VỚI THẤT BẠI: MỘT BƯỚC ĐỆM ĐẾN THÀNH CÔNG
Thành công không phải lúc nào cũng đến một cách trơn tru. Đôi khi, thất bại là bước đệm cần thiết để đạt được thành công lớn hơn. Điều quan trọng là không để sợ hãi thất bại làm ta ngừng nỗ lực. Việc hiểu rằng thành công là sự kết hợp giữa may mắn, nỗ lực và năng lực sẽ giúp chúng ta duy trì tinh thần lạc quan và tiếp tục đầu tư vào bản thân.
Cuộc sống không đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn thành công theo những chuẩn mực thông thường. Đôi khi, việc cho phép bản thân nghỉ ngơi và đánh giá lại con đường mình đang đi là điều cần thiết để có thể bắt đầu lại mạnh mẽ hơn. Quan trọng là phải nhận thức rằng mỗi người có con đường riêng và thành công thực sự là khi chúng ta cảm thấy hài lòng với những gì mình đang làm, không phải chạy theo những kỳ vọng không thực tế.
Với tư duy này, hãy đặt nỗ lực của mình vào đúng chỗ và khai thác tối đa tiềm năng cá nhân, để không chỉ đạt được thành công nghề nghiệp mà còn tìm được sự thỏa mãn trong công việc và cuộc sống.