Khi công việc không chỉ là một khoản thu nhập

Mất việc không chỉ là mất đi con số xuất hiện trong tài khoản ngân hàng mỗi cuối tháng, mà là đánh mất một phần bản thể. Đó là nơi ta hiện diện, cống hiến và kết nối. Khi tấm thẻ nhân viên không còn giá trị, làm sao để lấp đầy khoảng trống vô hình ấy? Bài viết này lắng nghe những tiếng thở dài không thành lời và gợi mở hành trình tìm lại ý nghĩa sau cánh cửa văn phòng khép lại.

Khi gặp ai đó lần đầu, sau câu “Bạn tên gì?”, câu hỏi tiếp theo gần như ngay lập tức là: “Bạn làm gì?”. Thật thú vị khi câu hỏi về công việc thường đến trước cả “Bạn khỏe không?” hoặc “Bạn sống ở đâu?”. Điều này phản ánh rõ nét rằng công việc không đơn thuần là phương tiện kiếm sống – mà đã trở thành một phần cốt lõi trong bản sắc con người hiện đại. Từ những buổi sáng vội vã với cà phê take-away, những email gửi đi lúc nửa đêm, đến những cuộc họp kéo dài qua giờ ăn trưa. Vậy nên khi mất việc, dù vì lý do gì – sa thải, nghỉ hưu, bệnh tật hay những biến cố không lường trước – nỗi đau không chỉ nằm ở con số giảm sút trong sổ tiết kiệm. Đó là cảm giác trống rỗng, như thể một mảnh ghép quan trọng của cuộc đời đã bị gỡ bỏ – một nỗi buồn mà người ngoài cuộc khó lòng nhận thấy.

Công việc là trụ cột của bản sắc cá nhân. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta thường nhìn nhận bản thân qua lăng kính nghề nghiệp – từ tấm thẻ nhân viên được đeo tự hào, lịch Google Calendar kín đặc các cuộc họp, đến chữ ký điện tử với chức danh được thiết kế cầu kỳ. Những yếu tố này mang lại không chỉ thu nhập, mà còn là sự ổn định, thói quen và cảm giác “mình là ai” trong xã hội. Một nghiên cứu năm 2023 của Herr và cộng sự đã chỉ ra rằng công việc có ý nghĩa giúp con người sống vui khỏe hơn – càng cảm thấy công việc mình làm có giá trị, ta càng nhận thấy cuộc sống đáng sống.

Nhưng khi công việc biến mất, khoảng trống để lại không chỉ là những con số giảm sút trong tài khoản. Đó là cảm giác như bước vào căn phòng quen thuộc nhưng bỗng nhiên thiếu mất một góc, khiến ta lạc lõng, chơi vơi và đôi khi, chìm trong nỗi chán chường.

Công việc không đơn thuần là những giờ ngồi trước màn hình máy tính hay những cuộc chạy đua với deadline. Đó là nơi ta khám phá bản thân – biết mình giỏi ở đâu, cần cải thiện điều gì. Một công việc tốt cho ta lý do thực sự để bật dậy mỗi sáng dù trời mưa hay nắng, tạo nhịp điệu cho ngày làm việc bận rộn, và mang đến mục đích để cảm thấy mình đang đóng góp điều gì đó có ý nghĩa – dù chỉ là hoàn thành một báo cáo đúng hạn hay giúp đỡ ai đó giải quyết vấn đề nan giải.

Hãy nghĩ về những nhân vật như Oprah Winfrey hay Thomas Edison – thế giới nhớ đến họ không phải vì tài sản hay danh tiếng, mà vì công việc họ đã làm, vì dấu ấn họ để lại trong lĩnh vực của mình.

Công việc còn là một vũ trụ thu nhỏ của các mối quan hệ. Không chỉ là việc mở laptop và nhập liệu. Đó là những phút giây tám chuyện bên máy nước, những câu đùa vui trong nhóm chat công ty, hay những lần kể về kỳ nghỉ cuối tuần bên tách cà phê sáng thứ Hai. Những khoảnh khắc tưởng chừng nhỏ nhặt ấy lại tạo nên cảm giác thân thuộc, như một gia đình thứ hai mà ta ghé thăm năm ngày mỗi tuần.

Ta có thể không gọi đồng nghiệp là “bạn thân”, nhưng khi không còn những câu chào buổi sáng quen thuộc hay những lời nhắc họp đầy cáu kỉnh, ta chợt nhận ra mình cô đơn đến nhường nào. Khoảng trống ấy khó gọi tên, nhưng cảm giác thì có thật – như thiếu đi một phần quan trọng trong bản giao hưởng hàng ngày.

Xét về mặt thực tế, công việc là nguồn sống: lương tháng, bảo hiểm, khoản tiết kiệm cho tương lai. Khi nguồn sống ấy bị cắt đứt, nỗi lo không chỉ là những hóa đơn chất đống, mà là câu hỏi làm sao để tiếp tục cuộc sống – trả tiền nhà, chăm lo cho gia đình, hay thậm chí là duy trì những thói quen nhỏ như một buổi cà phê cuối tuần với bạn bè.

Dù là nghỉ hưu tự nguyện hay bị cắt giảm nhân sự bất ngờ, sự thay đổi này buộc ta phải suy nghĩ lại: Ngày mai sẽ bắt đầu từ đâu? Làm thế nào để thấy cuộc đời vẫn còn ý nghĩa khi không còn những con số đều đặn được chuyển vào tài khoản mỗi tháng?

Mất việc, đôi khi, lại là một cơ hội đội lốt khủng hoảng. Nghe có vẻ như một câu an ủi cũ rích, nhưng không hẳn là sai. Nhiều người bám víu vào công việc cũ vì sợ thay đổi, vì đã quá quen thuộc, hay vì nuôi hy vọng mong manh rằng “mọi thứ rồi sẽ ổn thôi”. Khi bị buộc phải rời đi, dù đau đớn, ta có cơ hội nhìn nhận lại: Công việc này có thực sự đúng với con người mình? Cú sốc ấy có thể mở ra những lối đi mới, để làm những điều phù hợp hơn với con người ta của hiện tại.

Thay đổi không bao giờ dễ dàng, nhưng nó thường đến khi ta ít ngờ tới nhất, đẩy ta ra khỏi vùng an toàn để khám phá những khả năng mà trước đây ta chưa từng nghĩ tới.

Nhưng tại sao nỗi buồn khi mất việc lại thường bị bỏ qua? Khác với mất mát người thân hay chia tay trong tình yêu, mất việc thường bị xem là chuyện “ai cũng có thể gặp phải”. Người ta chuyển việc, làm lại từ đầu, nên cảm giác trống trải thường bị gạt đi, cả bởi người khác lẫn chính bản thân mình.

Nhưng mất việc không đơn giản chỉ là việc tìm kiếm một cơ hội nghề nghiệp mới. Đó là mất đi thói quen đã ăn sâu, ý nghĩa đã gắn bó, và cảm giác thuộc về một tập thể – một nỗi đau thầm lặng cần được nhìn nhận và chữa lành.

Làm gì để vượt qua? Đầu tiên, hãy thừa nhận với chính mình rằng bạn đang buồn. Công việc không chỉ là công việc – nó là một phần không thể tách rời của cuộc sống. Tiếp theo, hãy tìm kiếm những điều có thể thay thế: bạn thích điều gì nhất ở công việc cũ? Những cuộc họp sôi nổi, cảm giác hoàn thành một dự án, hay những phút giây trò chuyện với đồng nghiệp?

Thử mang những yếu tố đó vào cuộc sống mới – tham gia một lớp học, làm công việc tình nguyện, hay chủ động gặp gỡ bạn bè cũ. Đừng ngại chia sẻ cảm xúc – trò chuyện với những người từng trải qua cảm giác mất việc có thể giúp bạn nhận ra mình không đơn độc. Cuối cùng, hãy cho phép bản thân cảm nhận đầy đủ. Nỗi buồn không tuân theo một lịch trình cố định – có ngày nó nhẹ nhàng, có ngày nó nặng nề, và điều đó hoàn toàn bình thường.

Nỗi buồn khi mất việc thường được giấu kín sau những status “đang tìm kiếm cơ hội mới” trên mạng xã hội chuyên nghiệp. Nhưng đằng sau màn hình điện thoại là một khoảng trống thật sự – của thói quen hàng ngày, bản sắc cá nhân, mối quan hệ đồng nghiệp và mục đích sống.

Dù bạn vừa rời công ty với một hộp các-tông đựng đồ đạc cá nhân, hay chỉ đơn giản là tắt máy tính sau email chia tay, khoảng trống ấy không tự nhiên biến mất. Thừa nhận nó không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Đó chính là cách bạn sống thật với cảm xúc, cảm nhận trọn vẹn trải nghiệm, và mở lối để tìm lại chính mình – trong những ngày đã qua, hiện tại, và cả tương lai phía trước.

Quy Hoang

Bình luận ( 0 bình luận )

Không có bình luận nào.

Bình luận của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
*