Apple đang gấp rút cải tiến trợ lý ảo Siri để sánh ngang với các đối thủ như Chat GPT, Gemini, Grok,… Với sự hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo thế hệ mới – Apple đang cố gắng đưa ‘LLM Siri’ trở lại đúng hướng.
Ra mắt lần đầu vào năm 2011, Siri từng là biểu tượng của sự đổi mới trong lĩnh vực trợ lý ảo. Tuy nhiên, khi các đối thủ như ChatGPT và Gemini nâng tầm khả năng hội thoại tự nhiên và xử lý ngữ cảnh phức tạp, Siri dần bị đánh giá là “cứng nhắc” và thiếu linh hoạt. Nhận thức được thách thức này, Apple đang dần thay đổi Siri, biến nó từ một công cụ thực hiện lệnh cơ bản thành một trợ lý đối thoại thực thụ.
Apple đang nâng cấp Siri bằng cách tích hợp mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) – một công nghệ AI tiên tiến được đào tạo từ kho dữ liệu khổng lồ, có khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên với độ chính xác cao. Nhờ đó, Siri có thể hiểu rõ hơn ngữ cảnh cuộc trò chuyện, duy trì mạch đối thoại và phản hồi một cách tự nhiên, thân thiện như con người. Hơn nữa, Siri được nâng cấp để hỗ trợ nhiều tác vụ phức tạp hơn, từ sáng tạo nội dung đến tóm tắt thông tin và đưa ra gợi ý cá nhân hóa dựa trên lịch sử sử dụng, sở thích và thói quen của người dùng. Chẳng hạn, Siri có thể đề xuất một nhà hàng phù hợp dựa trên khẩu vị, vị trí và lịch trình của bạn hoặc nhắc nhở bạn hoàn thành công việc dựa trên các email gần đây. Những khả năng này đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ, đưa Siri tiến gần hơn đến vai trò của một “đồng nghiệp kỹ thuật số” thay vì chỉ là một trợ lý ảo.
Apple định hướng phần lớn các tác vụ AI của Siri sẽ được xử lý trực tiếp trên thiết bị (on-device), tận dụng sức mạnh của chip A-series và M-series để thực hiện các tác vụ AI mà không cần gửi dữ liệu nhạy cảm lên đám mây.
Cách tiếp cận này mang lại hai lợi ích chính: tốc độ và quyền riêng tư. Xử lý trên thiết bị giúp Siri phản hồi nhanh hơn, giảm độ trễ và mang lại trải nghiệm mượt mà hơn. Quan trọng hơn, nó đảm bảo dữ liệu cá nhân của người dùng được giữ an toàn trên thiết bị, củng cố cam kết bảo mật đã trở thành thương hiệu của Apple trong suốt nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, Apple cũng đối mặt với thách thức: xử lý trên thiết bị đòi hỏi phần cứng mạnh mẽ và tối ưu hóa phần mềm vượt trội. Để vượt qua giới hạn này, Apple có thể áp dụng chiến lược xử lý kết hợp (hybrid processing), trong đó các tác vụ đơn giản được xử lý trên thiết bị, còn các tác vụ phức tạp hơn sẽ được gửi lên đám mây với mã hóa đầu cuối để đảm bảo an toàn. Dù chọn hướng đi nào, bảo mật vẫn là yếu tố cốt lõi giúp Apple tạo sự khác biệt trong cuộc đua AI.
Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Apple (WWDC25 – Worldwide Developers Conference 2025) năm nay dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 9 – 13/6, tại Apple Park, Cupertino, California (Mỹ). WWDC 2025 là cơ hội để Apple chứng minh họ vẫn có thể dẫn đầu trong một thế giới công nghệ cạnh tranh khốc liệt. Apple sẽ chính thức công bố những cải tiến đột phá dành cho Siri, đồng thời tích hợp loạt tính năng AI vào iOS 19 và các nền tảng khác. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm “AI hóa” toàn bộ trải nghiệm trong hệ sinh thái Apple, từ iPhone, iPad đến MacBook.
Tại WWDC 2025, Apple sẽ hứa hẹn ít hơn và có khả năng sẽ không công bố những nâng cấp “hoành tráng” nếu chúng chưa thực sự sẵn sàng. Toàn bộ sự kiện năm nay cũng sẽ bị giám sát kỹ lưỡng hơn, đặc biệt khi CEO Tim Cook gần đây đã bị chất vấn về tiến độ phát triển Apple Intelligence trong cuộc họp cổ đông. Theo Gurman – Chuyên gia công nghệ của Bloomberg, sẽ có 3 điểm chính tại WWDC 2025: Hệ điều hành được thiết kế lại; tính năng mới của Apple Intelligence; thay đổi lớn đối với iPadOS.

Chuyên gia công nghệ Mark Gurman của Bloomberg
Với Siri mới và chiến lược AI hóa hệ sinh thái, Apple đang đặt nền móng cho một tương lai công nghệ cá nhân hóa, nhưng liệu họ có thể vượt qua các đối thủ?