Bước ra khỏi cái bóng của Steve Job, Apple nay đã lên ngôi vương nhờ “bàn tay vàng” của Tim Cook.

Dù không sở hữu khả năng sáng tạo ra những sản phẩm đột phá như Steve Jobs, nhưng Tim Cook đã chứng minh bản thân là một nhà lãnh đạo tài ba khi đưa Apple trở thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

 

 

Khi nhậm chức CEO vào năm 2011, Apple đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự ra đi của Steve Jobs để lại những lo ngại về khả năng duy trì sự sáng tạo và tăng trưởng của công ty. Tuy nhiên, dưới sự quản lý của Tim Cook, Apple không chỉ giữ vững vị thế dẫn đầu, mà còn không ngừng phát triển.

 

Tim Cook bắt đầu gia nhập Apple sau nhiều năm làm việc tại các tập đoàn công nghệ như IBM hay Compaq. Ông làm việc 18 tiếng mỗi ngày. Khi không làm việc, ông dành nhiều thời gian trong phòng tập gym.

 

 

“Tim Cook thực sự là một người của công việc. Ông chăm chỉ, chăm chỉ, chăm chỉ và chăm chỉ. Tuy nhiên, tôi thấy Tim Cook khá tẻ nhạt”, một cựu nhân viên của Apple từng làm việc cùng Tim Cook từ những ngày đầu cho biết.

 

Một trong những thành công nổi bật của Tim Cook là việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple. Ông nhanh chóng nhận ra các vấn đề trong hoạt động sản xuất và phân phối của công ty, và đã thực hiện nhiều bước đi chiến lược để cắt giảm chi phí, tăng tính linh hoạt và đảm bảo nguồn cung ứng.

 

Việc tập trung sản xuất tại Trung Quốc với các nhà máy quy mô lớn và lực lượng lao động rẻ đã giúp Apple có thể sản xuất số lượng lớn các sản phẩm như iPhone, iPad và Mac với chi phí tối ưu. Tim Cook cũng áp dụng các chiến lược hợp đồng dài hạn, mua trước linh kiện, và tối ưu hóa vận chuyển để tăng cường khả năng cung ứng và giảm thiểu rủi ro.

 

 

Chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple mà Tim Cook xây dựng có nhiều khác biệt đáng kể so với Dell và Compaq. Các thương hiệu máy tính cá nhân lớn của thế giới thuê ngoài cả khâu sản xuất và thiết kế. Điều này khiến sản phẩm máy tính họ sản xuất ra có giá rẻ nhưng không có gì khác biệt nhiều so với sản phẩm khác trên thị trường.

 

Thời gian đầu làm việc cho Apple, Tim Cook nhanh chóng nhận ra chuỗi cung ứng, hàng tồn kho của công ty đang gặp vấn đề và thực hiện các bước cần thiết để tối ưu. Ngay trong năm đầu tiên Tim Cook làm việc, Apple đã chi 100 triệu USD để đặt chỗ trước các chuyến bay vận tải xuyên suốt dịp lễ. Động thái này nhằm chuẩn bị cho việc mở bán mẫu iMac G3 trên toàn cầu mà không lo các vấn đề vận chuyển quá tải vào dịp mua sắm cao điểm.

 

Quyết định của Tim Cook đã được đền đáp xứng đáng khi iMac G3 trở thành sản phẩm thành công vang dội. Những đối thủ của Apple phải đối mặt với tình trạng không thể tìm được đơn vị vận chuyển hàng hóa trong mùa bán hàng sôi động nhất năm.

 

Bên cạnh đó, Tim Cook cũng thể hiện xuất sắc trong việc duy trì và phát triển những sản phẩm thành công của Apple, đặc biệt là iPhone. Ông đã xây dựng được một hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ quanh iPhone, mang lại nguồn doanh thu và lợi nhuận khổng lồ cho Apple.

 

Thành tích của Tim Cook càng trở nên ấn tượng hơn khi so sánh với cách tiếp cận của Steve Jobs. Trong khi Jobs chú trọng vào sáng tạo, thiết kế, và tạo ra những sản phẩm đột phá, Cook lại tập trung vào vận hành hiệu quả, quản trị chuỗi cung ứng, và khai thác tối đa giá trị từ các sản phẩm hiện có.

 

Có thể nói, Tim Cook đã chứng minh bản thân là một nhà lãnh đạo xuất chúng, không chỉ duy trì mà còn đưa Apple tiến lên một tầm cao mới. Trong khi Steve Jobs được nhìn nhận là “phù thủy công nghệ”, thì Tim Cook chính là người đã xây dựng nên một “pháo đài” vững chắc cho Apple với những chiến lược và kỹ năng quản trị doanh nghiệp ấn tượng.

Bình luận ( 0 bình luận )

Bình luận của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
*