Bạn sẽ không biết trước bạn sẽ được hỏi gì khi đi phỏng vấn. Tuy nhiên, có 6 câu hỏi mà các nhà tuyển dụng rất thích sử dụng và còn gì tuyệt vời hơn khi bạn đã tham khảo qua các mẹo trả lời sau đây. Tin mình đi, những gợi ý đi kèm cả những câu trả lời mẫu này sẽ giúp được bạn tự tin hơn rất nhiều cũng như sẵn sàng nhất cho buổi phỏng vấn.
CÂU HỎI THỨ 1 – Hãy giới thiệu về bản thân của bạn
Mẹo để trả lời câu hỏi này là:
- Tập trung vào việc giới thiệu về các kỹ năng liên quan đến công việc của bạn thay vì kể tất tần tật cuộc sống, gia đình của bạn. Bởi đó không phải là điều họ quan tâm!
- Xem qua bản mô tả công việc và yêu cầu ứng viên. Rồi từ đó nêu ra các kỹ năng, kinh nghiệm, ưu điểm của bạn phù hợp với những yêu cầu đó.
- Chèn những “tính từ mạnh” vào câu trả lời của bạn như: năng động, nhiệt tình, kỷ luật, linh hoạt, tận tâm, trung thực, chăm chỉ, dễ thích nghi, cầu tiến,… Những tính từ này sẽ gây được ấn tượng với những người phỏng vấn.
Giờ thì đến với câu trả lời mẫu nhé!
“Xin chào các anh/chị, tôi là Trần Văn A, 30 tuổi, đã có 8 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Marketing ở các công ty ABC, XYZ,… Tôi có kỹ năng tốt trong việc quản lý các kênh mạng xã hội, đăng bài trên website, viết blog, xây dựng kế hoạch nội dung, triển khai các chiến dịch quảng cáo trên Facebook, LinkedIn.
Sau khi tìm hiểu về các yêu cầu kỹ năng và vị trí Digital Marketing tại công ty, tôi tin rằng mình đủ khả năng đảm nhiệm vai trò này và tôi sẽ rất trân trọng cơ hội công ty dành cho tôi. Nếu đây là một buổi phỏng vấn thành công, tôi có thể đảm bảo rằng mình sẽ mang những kinh nghiệm, kiến thức và những phẩm chất tốt nhất mà mình tích luỹ được trong suốt thời gian qua đến đội của bạn.”
Nếu tự tin hơn, bạn có thể nói thêm rằng:
“Tôi nghĩ rằng có 2 kiểu nhân viên. Một là những người đi làm để thanh toán những hoá đơn và mua những thứ mình thích. Kiểu thứ 2 là những người dấn thân, làm việc bằng tất cả khả năng để đạt được những mục tiêu trong sự nghiệp. Tôi nghĩ mình là kiểu thứ hai và những thành tích trước đây đã chứng minh cho điều đó.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng cách nói này cho trong trường hợp bạn thực sự tự tin với khả năng của mình so với yêu cầu công việc và người phỏng vấn của bạn cũng phải thoải mái với sự tự tin đó. Ngoài ra, bạn cũng cần phải nói trơn tru và không bị vấp. Nếu không bạn sẽ tạo cho người nghe cảm giác là bạn đang cố “gồng” và điều đó thật kì cục.
CÂU HỎI THỨ 2 – Tại sao bạn muốn làm tại đây
Cũng đến với mẹo trả lời, ta có:
- Nói về sự chuẩn bị của bạn dành cho buổi phỏng vấn này (tất nhiên là bạn đã có sự chuẩn bị thật).
- Tập trung vào đặc điểm môi trường /con người (ví dụ: môi trường năng động, những người có đam mê với nghề,…), thông tin về vị trí bạn đang ứng tuyển và những thông tin mà bạn “lượm lặt” được từ trang web, fanpage và các tài liệu khác về công ty.
Câu trả lời mẫu:
“Sau khi nghiên cứu về môi trường công ty và những yêu câu cho vị trí này, tôi cảm thấy mình đủ các kỹ năng và phẩm chất phù hợp với các tiêu chuẩn cao của công ty. Tôi cũng cảm thấy rất hào hứng trước thử thách mới mẻ này, điều mà tôi vẫn đang tìm kiểm cho đến bây giờ.
Sau khi tìm hiểu về các chiến dịch quảng cáo (ở đây bạn có thể thay cái khác tuỳ theo ngành của bạn nhé) của công ty và tôi rất thích cách mà bạn tiếp cận với khách hàng cũng như sự chỉn chu trong các ấn phẩm truyền thông.
Thật ra thì tôi cũng đã có nói chuyện với 2 nhân viên đang làm việc tại đây và họ đều nói về những điều tuyệt vời. Cả 2 người họ đã làm việc ở đây một thời gian rồi và đến giờ họ vẫn cảm thấy rất ổn.
Cuối cùng, sau khi đọc bản mô tả công việc thì tôi hiểu rằng tôi thực sự có cơ hội được đào tạo và phát triển cũng như nâng cao trình độ của mình khi làm việc tại công ty – đây thực sự là một điều hấp dẫn mà tôi không thể “cưỡng” lại được.”
CÂU HỎI THỨ 3 – Điểm mạnh của bạn là gì?
Mẹo để trả lời câu hỏi này là:
- Một lần nữa, hãy cứ tập trung vào những yêu cầu kỹ năng ở vị trí bạn ứng tuyển
- Nói về điều khác biệt khiến bạn nổi bật so với người khác (Ở đây có một mẹo là bạn hãy hỏi những người xung quanh, bạn bè, người thân xem họ đánh giá cao bạn ở điểm gì?). Đưa ra các ví dụ, tình huống thực tế mà ưu điểm đó của bạn được ứng dụng để tăng độ tin cậy.
Trả lời:
“Tôi có nhiều phẩm chất tích cực để đảm nhận vai trò này như là:
- Tôi chăm chỉ.
- Tôi có sự nhiệt tình.
- Tôi luôn tìm kiếm những mặt tích cực trong mọi tình huống.
- Tôi có khả năng làm việc nhóm tốt.
- Tôi thích hỗ trợ và giúp đỡ người khác phát triển.
- Tôi nghĩ mình là người đáng tin cậy.
Một điều mà tôi nghĩ nó giúp mình nổi bật chính là tôi luôn tìm cách cải thiện hiệu suất làm việc và tìm cách giải quyết tốt hơn trong những nhiệm vụ được giao.
Ví dụ, trong lúc làm việc tại công ty ABC, sau khi nhận thấy cách tiếp cận khách hàng đang dần kém hiệu quả, tôi đã đăng ký khoá học “tối ưu chiến dịch và sự thay đổi thói quen của người dùng”. Sau đó tôi đã ứng dụng cách tiếp cận mới cho các chiến dịch của công ty và đạt được những kết quả tích cực. Cấp trên của tôi đã nhận xét rằng đó là một sự thay đổi tuyệt vời và chúc mừng tôi vì đã có một bước đi thành công.”
CÂU HỎI THỨ 4 – Mục tiêu của bạn trong 5 năm nữa là gì?
Đây không phải là một câu mà nhiều nhà tuyển dụng hỏi bạn nhưng câu này theo mình đánh giá là khá hay.
Mẹo đã trả lời cho câu hỏi này là:
- Đừng nói ra bất kỳ dự định nào mà nó liên quan đến việc bạn sẽ rời công ty, dù là rõ ràng hay ẩn ý.
- Lòng trung thành là một yếu tốt rất quan trọng đối với đa số nhà tuyển dụng. Hãy nhớ rằng, họ đã phải dành nhiều (hoặc rất nhiều) thời gian, tiền bạc và nguồn lực để tuyển dụng và đào tạo bạn tại vị trí này. Vì vậy, họ muốn nhận lại được một sự đáp trả cho “khoản đầu tư” của họ.
- Và một điều vô cùng… hiển nhiên – đừng nói với họ rằng bạn muốn “ngồi” ở vị trí của họ! ( Nhớ nhé, ĐỪNG)
Câu trả lời mẫu:
“Nếu trúng tuyển, điều đầu tiên mà tôi dự định làm chính là thành thạo công việc mới của mình càng sớm càng tốt. Tôi thực sự không biết chính xác mình mất bao nhiêu lâu nhưng với sự nhiệt tình của mình kết hợp với khả năng đào tạo của công ty, tôi mong muốn mình sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Sau khi được đào tạo về vị trí này theo các tiêu chuẩn của công ty, tôi cũng muốn đóng góp những kỹ năng và kinh nghiệm của mình cho đội nhóm. Mục tiêu quan trọng của tôi chính là nhận được sự chấp thuận và tôn trọng từ các thành viên khác trong nhóm, bên cạnh việc hoàn thành tốt những đầu việc của mình.
Nói tóm lại, tôi nghĩ câu trả lời ngắn gọn của tôi dành cho câu hỏi này là tôi muốn mình giỏi hơn trong công việc, được đồng nghiệp và sếp chấp nhận, đồng thời tận hưởng công việc của mình nhiều nhất có thể.
Nếu có cơ hội được thăng tiến trong tổ chức, điều đó thật tuyệt vời. Nói chung, tôi nghĩ mình sẽ có nhiều điều để làm và sẽ gắn bó lâu dài với vị trí này.”
CÂU HỎI THỨ 5 – Kể một vài điểm yếu của bạn
Mẹo trả lời:
- Đừng nói rằng bạn không có điểm yếu hay bạn không biết điểm yếu của mình. Bất cứ ai đều có điểm yếu và việc bạn không nhận ra được điểm yếu của mình chỉ phản ánh rằng bạn là một người có khả năng tự nhận thức bản thân kém.
- Đừng nói các điểm yếu “chí mạng” mang tính chất then chốt trong ngành của bạn. Ví dụ bạn làm trong ngành kế toán nhưng bạn lại bảo mình hay bất cẩn thì… buổi phỏng vấn của bạn kết thúc rồi đấy.
Câu trả lời mẫu:
“Tôi có một điểm yếu, đó là đôi khi tôi hơi cáu khi mọi người xung quanh không hoàn thành công việc với mức tiêu chuẩn cao
Bởi vì tôi đặt ra cho mình những tiêu chuẩn cao, nên tôi mong đợi những người khác cũng có những tiêu chuẩn đó, và điều này không phải lúc nào cũng đúng. Mặc dù đôi khi điều đó có thể khiến tôi khó chịu, nhưng tôi đã học được cách chỉ tập trung vào công việc của mình và thực hiện nó với những tiêu chí nhất quán.
Phải nói rằng, gần đây tôi đã cố gắng biến điểm yếu này thành điều gì đó tích cực bằng cách giúp đỡ những người khác xung quanh cải thiện hiệu quả Vì thế mà khi tôi thấy một thành viên trong nhóm đang gặp khó khăn hoặc không đạt được kết quả theo dự định, tôi sẽ đề nghị để giúp họ cải thiện. Đây là điều mà tôi cảm thấy sẽ có thể mang lại tác động tích cực cho tổ chức và những mục tiêu chung của nhóm chúng ta.”
CÂU HỎI THỨ 6 – Bạn có khả năng làm việc dưới áp lực không?
Mẹo trả lời:
Cố gắng đưa ra một ví dụ về giai đoạn mà bạn phải làm việc dưới áp lực lớn hoặc diều kiện khó khăn (deadline gấp hoặc mục tiêu cao).
Câu trả lời mẫu:
“Vâng, tôi nghĩ là mình có thể. Tôi thường được yêu cầu thự hiện các đầu việc trong thời gian gấp. Tôi chợt nghĩ đến một sự cố này. Tôi làm việc tại công ty ABC, một công ty khá nhỏ. Vào một buổi chiều thứ 6, sếp của chúng tôi đã gọi cả team và thông báo rằng sẽ có một đợt chuyển hàng lớn đến trong vài giờ nữa. Theo kế hoạch thì nó sẽ đến vào tuần sau nhưng có sự cố bất ngờ nên phải giao sớm và anh ấy đã không chuẩn bị kịp nhân sự bốc dỡ. Chúng tôi thiếu nhân lực ở đó và cũng đã 5h chiều. Chúng tôi có 1 tiếng để nhận hàng, sắp xếp và kiểm tra hàng để đóng cửa vào lúc 6h.
Anh ấy hỏi ai có thể tình nguyện giúp trong vụ này không. Tôi đã giờ tay và tình nguyện giúp đỡ. Tôi nhận thấy sự bối rối của anh ấy khi nhận ra chỉ có tôi và một bạn nữa xung phong. Tuy nhiên, cả hai chúng tôi đều quyết tâm sẽ hoàn thành công việc nên đã lên chiến thuật để có thể hoàn thành mọi việc trong 1 tiếng đấy.
Chúng tôi đã tận dụng điểm mạnh về khả năng tổ chức và tính toán của mình để có thể kiểm hàng ngay trong lúc bốc dỡ hàng xuống xe. Bạn đồng nghiệp tôi chịu trách nhiệm mang hàng vào kho vì anh ấy “hơi bị khoẻ” và sếp chúng tôi thì sắp xếp hàng hoá vào kho bởi sếp nắm rõ các vị trí trong kho cũng như khả năng tưởng tượng không gian, vị trí của sếp tôi cũng rất giỏi. Kết quả là chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong khi đồng hồ chỉ 6h kém năm. Sự cố ngày hôm đó thực sự là một kỉ niệm đáng nhớ của tôi.”