Phỏng vấn là bước sàng lọc ứng viên để xem họ có phù hợp với những yêu cầu của doanh nghiệp không. Giai đoạn này thường ứng viên sẽ được phỏng vấn 2 lần, một bởi nhân sự và một bởi người sẽ trực tiếp quản lý bajn (hay nói ngắn gọn là sếp của bạn trong tương lai nếu bạn trúng tuyển). Thường nhân sự sẽ là người kiểm tra tính cách, thông tin cá nhân và các thông tin bên lề khác trước. Sau đó, người quản lý sẽ kiểm tra kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm của bạn.
Khoan hãy nói đến kỹ năng chuyên môn, bài viết này sẽ chỉ ra 9 điều mà bạn không nên nó ở vòng 1 – phỏng vấn với nhân sự. Đây là những sai lầm khiến bạn mất điểm lớn trong mắt nhà tuyển dụng
1. Nói về công ty cũ một cách tiêu cực
Một câu hỏi thường thấy ở các nhà tuyển dụng là “Tại sao bạn nghỉ việc?” hay “Bạn không thích công ty cũ ở điểm nào?”
Bạn nghĩ họ quan tâm đến các vấn đề ở công ty cũ của bạn? Hay họ quan tâm đến lý do bạn nghỉ việc? Không! Thứ thực sự nhà tuyển dụng muốn biết chính là tính cách của bạn.
Dẫu biết, không có môi trường làm việc hoàn hảo hay lý tưởng. Mọi công ty luôn tồn tại ít nhiều những bất cập có thể khiến bạn không thích. Tuy nhiên, sẽ không bao giờ có một môi trường chỉ toàn điều tốt hoặc chỉ toàn điều xấu. Việc bạn nhìn nhận nó như thế nào cũng sẽ phản ảnh một phần con người bạn. Nếu bạn là người có đạo đức và nhân cách tốt, bạn sẽ luôn nhìn ra nhiều điểm tốt hơn điểm xấu và ngược lại. Đó là nguyên tắc phóng chiếu trong tâm lý học.
Bạn hoàn toàn có thể nói một vài điểm bạn không thích ở công ty cũ nhưng đừng quá đà. Điều đó chỉ chứng minh là bạn yếu kém trong việc hòa nhập và xử lý mâu thuẫn nội bộ. Biến bạn trở thành “kẻ vô ơn” trong mắt nhà tuyển dụng.
Gợi ý câu trả lời bạn: “Công ty cũ của tôi khá tốt. Nhưng tôi nghĩ mình có thể phát triển bản thân nhiều hơn cũng như tận dụng tối đa năng lực của mình tại đây. Tôi tin với những kinh nghiệm và kĩ năng tích luỹ được, tôi sẽ hoàn thành được những thử thách mới ở môi trường mới này.”
2. Hỏi về thông tin công ty
Thời đại công nghệ thông tin phát triển, mọi thông tin của doanh nghiệp dường như đều có sẵn trên internet, đặc biệt công ty càng lớn thì thông tin càng nhiều. Việc bạn đặt câu hỏi như “Doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực gì? Sứ mệnh và mục tiêu của doanh nghiệp là gì?…” chỉ khiến cho bạn lộ một điểm yếu là: bạn không có khả năng tìm kiếm thông tin trên google!
Hoặc nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn chưa bỏ thời gian để tìm hiểu về công ty, bạn chưa thực sự quan tâm và sẵn sàng cho vị trí này. Hãy tránh những câu hỏi này để không bị “mất điểm” nhé
3. Từ chối trả lời câu hỏi
Vòng phỏng vấn là cơ hội để nhà tuyển dụng tìm hiểu kỹ hơn về bạn. Người tuyển dụng càng hỏi nhiều về bạn chứng tỏ họ càng quan tâm và “ưng” bạn. Vì thế mà câu nói “Tôi xin phép không trả lời vấn đề này” khiến bạn bị mất điểm trầm trọng. Bởi điều đó giống như bạn đang che giấu điều gì và tạo cảm giác không đủ thiện chí cho công việc này.
Nếu đó là câu hỏi về lương của bạn tại công ty cũ, bạn có thể tham khảo các trả lời sau: “Thu nhập của tôi ở công ty cũ khoảng 10-15 triệu/tháng. Tuy nhiên với kinh nghiệm hiện tại tôi nghĩ mình có thể làm được nhiều hơn và mong muốn nhận được mức thu nhập tốt hơn ở môi trường mới này”. Câu trả lời sẽ giúp bạn giải quyết được câu hỏi và thế hiện mong muốn của bạn về mức lương mới.
4. Trả lời “Tôi không biết”
Bên cạnh việc từ chối trả lời thì câu trả lời “Tôi không biết” cũng mang lại một “dấu trừ” khá lớn cho bạn. Thật ra, có những câu trả lời mà nhà tuyển dụng không cần bạn phải trả lời thực sự chính xác. Tuy nhiên việc bạn nói “Tôi không biết” ngay khi vừa nhận được câu hỏi thế hiện bạn là người thiếu quyết tâm và tính kiên nhẫn trong giải quyết vấn đề.
Hãy cho nhà tuyển dụng câu trả lời “Câu hỏi khá hay nhưng xin lỗi, có thể cho tôi chút thời gian để suy nghĩ về câu trả lời cho vấn đề đó”
5. Nói về sở thích cá nhân qua loa
Rất nhiều ứng viên khi đối mặt với câu hỏi “Sở thích của bạn là gì?” thường trả lời rất… ngắn. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn không nhiệt tình hoặc bạn là người… nhạt nhẽo. Thay vì trả lời “Tôi thích đọc sách, đi du lịch, xem phim,…” hãy trở lời thêm hoặc diễn giải sở thích đó cụ thể hơn. Ví dụ: Bạn thích đọc sách thể loại gì? Đã từng đi du lịch ở những đâu? Thể loại phim yêu thích là gì?…
Thông qua câu trả lời, nhà tuyển dụng có thể hiểu thêm về bạn để xem bạn có phù hợp với công ty không? Hoặc đơn giản, nhà tuyển dụng cũng sẽ đánh giá bạn là “mặn mòi” hơn những ứng viên khác.
6. Nói tôi thích công ty nhưng không giải thích gì thêm
Như vấn đề thứ 5, việc bạn nói suông rằng “Tôi rất thích công ty này” sẽ tạo cảm giác cho người đối diện cảm thấy bạn thật hời hợt và nhạt nhẽo. Hãy giải thích cụ thể rằng bạn thích những điểm gì ở môi trường mới này, có thể đúng hoặc sai nhưng ít nhất đó là những kỳ vọng của bạn tại đây, ví dụ: thu nhập ổn định, lộ trình thăng tiến rõ ràng, phúc lợi tốt, có tiềm năng học hỏi,….
Tựu chung lại, dù là câu hỏi gì và bạn trả lời như thế nào, cũng đừng để nó quá ngắn. Hãy cố gắng nói thêm, đào sâu thêm về nó để khiến cho người đối diện không đánh giá bạn là một người kém giao tiếp.
7. Nói về lợi ích kinh tế
Sự thật rõ ràng là mục đích chính của đi làm luôn là tạo ra thu nhập. Đấy không phải là phần thưởng mà công ty ban tặng, đấy là giá trị của sức lao động mà bạn xứng đáng được nhận. Tuy nhiên, hãy đề cập đến lương, phúc lợi,… đúng thời điểm!
Hãy cứ để cuộc trò chuyện giữa bạn và nhà tuyển dụng diễn ra tự nhiên, hai bên tìm hiểu về nhau trước. Nếu phía công ty đề cập đến, bạn hãy bắt đầu nêu ra các yêu cầu. Còn không, bạn hãy chủ động đề cập đến vào cuối buổi phỏng vấn.
Đây rõ ràng luôn là một vấn đề nhạy cảm, vì thế hãy đưa ra các yêu cầu hoặc câu hỏi một cách khéo léo để giữ được không khí “thân mật” mà bạn đã tạo dựng được trong suốt buổi phỏng vấn nhé.
8. “Tôi giỏi về mảng này lắm”
Một lẽ hiển nhiên, chúng ta luôn cố gắng làm bản thân nổi bậnt trong mắt nhà tuyển dụng. Nhưng, khoe khoang quá đà sẽ biển bạn trở nên lố bịch. Đặc biệt, trước mặt những người tuyển dụng có kinh nghiệm và kiến thức vững, họ sẽ dễ dàng “bóc trần” bạn và đánh giá bạn là kẻ lươn lẹo. Tự ti sẽ khiến bạn không thể hiện được đúng năng lực của mình, nhưng tự tin quá mức cũng sẽ khiến bạn thành kẻ khoe mẽ.
Hãy cố gắng đề cập về ưu điểm, kinh nghiệm hay kiến thức chuyên môn của bạn thông qua các tình huống thực tế đã xảy ra trong quá khứ. Lấy những ví dụ và cách bạn xử lý các vấn đề là cách tốt nhất để bạn thể hiện khả năng của mình đấy.
9. “Thông tin cá nhân của tôi đã ghi trong CV”
Bạn không nghe nhầm đâu! Có rất nhiều ứng viên đã trả lời như thế khi nhận được câu hỏi hãy giới thiệu sơ lược về bản thân. Nhưng ứng viên ơi, câu hỏi đấy thực sự không phải để biết về thông tin cá nhân của bạn bởi khi đặt một buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng chắc chắn đã xem qua thậm chí xem nhiều lần CV của bạn rồi.
Mục đích của câu hỏi là để kiểm tra lại bạn có đang nói giống với những gì được ghi trong CV không. Cũng là để tạo cơ hội cho bạn nói nhiều hơn, kiểm tra khả năng thuyết trình và phát biểu trước đám đông của bạn. Nói một cách khác, đây là câu nói mà nhà tuyển dụng đang muốn “nhường sân khấu” lại cho bạn đấy, đừng bỏ lỡ!
Kết luận
Đây là 9 sai lầm mà ứng viên thường mắc phải và khiến họ mất điểm rất nhiều trong các buổi phỏng vấn. Hy vọng sau bài viết, bạn có thể chuẩn bị được những câu trả lời tốt nhất cho riêng mình để sẵn sàng cho buổi phỏng vấn thành công tiếp theo rồi nhé!
Không có bình luận nào.