10 bước bạn cần làm khi mắc sai lầm trong công việc

Biến một sai lầm thành một cơ hội để thành công, bạn có tin không?

Nếu có một điều gì mà sách lịch sử có thể dạy chúng ta, đó là sai lầm đã tồn tại từ khi con người xuất hiện. Hãy lấy ví dụ về những chiến binh Trojan mạnh mẽ, họ đã chấp nhận con ngựa gỗ như một món quà của hòa bình, cho phép các chiến sĩ Hy Lạp bên trong nó xâm nhập vào Trôi. Hoặc cách mà những người Viking đã đặt tên cho vùng đất toàn băng giá là Greenland, còn tên Iceland là dành cho mảnh đất xanh tươi màu mỡ. Còn cả những kiến trúc ở Tuscan đã xây dựng tháp Pisa trên một nền đất cát và đất sét, rồi mong đợi nó sẽ… đứng thẳng?

Trong khi những sai lầm “nổi tiếng” đã xảy ra thì thế giới này vẫn xoay vòng. Vậy chúng ta ở đây và chìm đắm trong những suy nghĩ hối hận vì những sai lầm, để làm gì? Chà, nếu trong những ngày qua bạn đã mắc một sai lầm trong lúc làm việc và vẫn đang loay hoay với nó thì bài viết này sẽ giúp bạn thoát ra đấy.

Tin mình đi, nó thực sự không “thảm khốc” như bạn nghĩ. Dưới đây chúng ta sẽ cùng xem xét những cách giúp bạn cảm thấy tốt hơn và giải quyết những sai lầm một cách tốt hơn, cũng như cách để tránh những sai lầm tương tự trong tương lai.

Dưới đây, chúng ta sẽ xem xét một số điều bạn có thể làm để cảm thấy tốt hơn và trở thành một nhà giải quyết vấn đề tài ba hơn, giảm thiểu khả năng lặp lại những sai lầm tương tự trong tương lai.

Bước 1: Đừng hoảng sợ

Các sai lầm có thể có mức độ nghiêm trọng khác nhau và do đó, hậu quả của chúng cũng có thể khác nhau. Dù bạn đã làm gì – cãi nhau với sếp, trễ deadline hay gửi một email chứa thông tin mật cho nhầm người – đều có thể khiến bạn cảm thấy như thế giới đang sụp đổ.

Tuy nhiên, phản ứng bốc đồng trong tình huống này có thể làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, điều quan trọng là bạn phải giữ bình tĩnh tối đa. Thậm chí có đôi lúc chúng ta nên đợi “mây bão” tan đi trước khi hành động.

Bước 2: Thừa nhận sai lầm

Cú sốc ngay sau khi mắc lỗi có thể làm cho bạn tê liệt. Với mức độ hormone đang dâng cao, có thể bạn sẽ muốn chạy thật xa và không dám quay đầu nhìn lại.

Tuy nhiên, khi cảm xúc đầu tiên đã giảm dần, quan trọng là khi bạn bắt đầu tiếp cận tình huống một cách logic. Cuộc sống thực tế không có nút “undo” hay “Ctrl + Z”, vì vậy tốt nhất là hãy thừa nhận sai lầm. Càng sớm bạn thừa nhận, thì càng nhanh chóng bạn có thể tìm ra một phản ứng hoặc giải pháp thích hợp cho vấn đề.

Bước 3: Phản ứng với tình huống

Như ông Remone Robinson, Giám đốc nhân sự của Revolution Consulting từng nói:

“Thường thì, nếu được giải quyết nhanh chóng, sai lầm sẽ có thể được khắc phục. Bằng cách tiếp nhận thông tin nhanh chóng, bạn có thể tìm ra giải pháp.”

Và mình hoàn toàn đồng ý với nhận định này, càng phản ứng nhanh bạn càng có thể loại bỏ cảm giác xấu hổ và hành động đúng đắng, từ đó cơ hội để sửa chữa những sai lầm càng cao. Dù đó là gửi mail sai người hoặc phát ngôn một điều không đúng thì suy nghĩ nhanh chóng có thể giúp bạn ngăn chặn một loạt các sự kiện không mong muốn tiếp theo (hay người ta hay gọi là hiệu ứng domino, hiệu ứng cánh bướm).

Bước 4: Giải quyết cảm xúc của mình

Những sai lầm có thể khiến chúng ta suy sụp và tự trách mình, gây trở ngại cho quá trình giải quyết vấn đề. Không chỉ vậy, sự sụp đổ của cảm xúc có thể gây hại cho cả sức khỏe tâm lý và thể chất của chúng ta.

Sau khi kết thúc ngày làm việc, hãy ngồi lại với những cảm xúc khó chịu mà bạn đang trải qua. Một mình tự suy ngẫm về những gì đã xảy ra sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn – chỉ cần nhớ hãy dịu dàng với chính mình bạn nhé!

Bước 5: Xác định nguyên nhân sai lầm

Con đường tìm giải pháp luôn bắt đầu bằng việc xác định vấn đề. Hãy nhớ lại những gì đã khiến bạn mắc lỗi: có phải do vô tâm, nóng nảy, hay là do sự bạn đã đánh giá quả cao khả năng của mình?

Sau khi bạn đã định nghĩa được vấn đề, bạn sẽ có thể giảm thiểu khả năng tái lặp lại sai lầm tương tự. Bạn có thể nghỉ phép thường xuyên hơn để tránh căng thẳng và mệt mỏi. Hoặc có thể sau cuộc trò chuyện “thân mật” với chính mình, bạn có thể nhận ra rằng công việc của bạn không phù hợp với kỹ năng và tính cách của bạn.

Bước 6: Nếu cần, hãy xin lỗi

Không phải mọi lời xin lỗi đều có ý nghĩa như nhau. Khi một bác sĩ phẫu thuật nói “xin lỗi”, những hệ quả sẽ khác biệt so với một huấn luyện viên sự nghiệp nói “xin lỗi”. Nhưng bất kể tình huống thế nào, bước đầu tiên là hãy xin lỗi những người bị ảnh hưởng bởi sai lầm của bạn. Điều đó không chỉ lịch sự mà còn cho những người bị ảnh hưởng thấy rằng bạn nhận thức được tác động của những sai lầm của bạn.

Mình biết, nói ra lời xin lỗi có thể khó khăn với vài người, nhưng khả năng nói một lời xin lỗi chân thành có thể  giúp bạn xây dựng một mối quan hệ đang có nguy cơ “đổ vỡ” vì lỗi lầm của bạn. Và hay nhớ, sai lầm càng nghiêm trọng thì bạn cần nói lời xin lỗi càng nhanh.

Bước 7: Tha thứ cho chính mình

Cuối cùng thì dù kỹ thuật giải quyết vấn đề của bạn tốt thế nào đều trở nên vô nghĩa nếu bạn tự đối xử tệ với bản thân mình.

Nếu bạn cứ ôm mãi suy nghĩ “Tại sao mình lại làm như vậy?” thì bạn sẽ không thể bước tiếp và tập trung thực hiện những giải pháp mà bạn đã nghĩ ra.

Sai lầm là một phần không thể tránh khỏi của bất kỳ một quy trình làm việc nào. Sau tất cả thì chỉ khi bạn cam kết hành động theo quy trình mới có thể đi đến những kết quả, bạn không thể hạn chế khả năng của mình chỉ vì nỗi sợ mắc lỗi. Tha thứ cho chính mình chính là cách duy nhất để thoát khỏi sự thất vọng và sớm lấy lại sự tự tin cũng như năng suất nơi làm việc.

Bước 8: Học từ những sai lầm

Khi sai lầm xảy ra, quan trọng là chúng ta học được gì từ trải nghiệm đó. Và chắc chắn là chúng ta sẽ không học được gì nếu bạn không “đặt” cái sự tự ái xuống. Điều đó bao gồm việc bạn thừa nhận yếu điểm của mình, yêu cầu sự giúp đỡ từ đồng nghiệp và những người xung quanh. Duy trì tư duy phát triển ngay trong nghịch cảnh chính là một trong những kỹ năng tuyệt vời nhất.

Lời khuyên là bạn hãy đối mặt với lỗi lầm của mình nhanh chóng cùng với sự nhiệt huyết, hãy sẵn sàng để gặp phải trở ngại, thừa nhận và sửa lỗi cũng như dám cam đoan cho công ty rằng sai lầm vừa qua là quý giá vì nó đã giúp bạn học được XYZ.

Bước 9: Xây dựng lại sự tin tưởng

Nếu lỗi của bạn khiến cho các thành viên trong nhóm hoặc sếp của bạn rơi vào tình huống không thuận lợi, bạn nên bắt đầu bằng một lời xin lỗi chân thành. Sau đó, khi bạn xác định được điều gì đã sai và bạn có thể làm tốt hơn, bạn nên thông báo điều này với họ.

Tuy nhiên, lòng tin không được xây dựng chỉ bằng lời nói, hành động của bạn cũng cần phải đúng với lời bạn nói. Quan trọng hơn hết là bạn tập trung vào việc cải thiện hiệu suất cũng như khả năng của bạn để dần lấy lại niềm tin từ đồng nghiệp và sếp.

Bước 10: Hãy nhớ rằng bạn không đơn độc

Đối với một người có lòng tự trọng, cảm thấy xấu hổ, tội lỗi và thất vọng sau khi sai lầm là điều vô cùng dễ hiểu, ngay cả khi lỗi mà bạn mắc phải tương đối nhỏ. Dù cho bạn đã làm gì sai, hãy nhớ rằng cũng có rất nhiều người đã gặp phải các vấn đề tương tự trước đây, thậm chí là nặng nề hơn và họ “sống sót” để kể lại các câu chuyện. (Trừ những chiến binh thành Trojan, nhưng chắc có lẽ bạn sẽ không mắc lỗi nào “hủy diệt” như thế).

Tóm tắt

Mặc dù không thể ngăn chặn hoàn toàn những sai lầm (thật phi lý đúng không?) nhưng bạn có thể phát triển các kỹ năng để có thể xử lý tốt hơn khi chúng xảy ra. Điều này không hề phức tạp – thực tế là nó hoàn toàn khả thi, bạn có thể bắt đầu thực hành những gợi ý trên ngay bây giờ!

Ví dụ, bạn có thể sử dụng phương pháp “5 câu hỏi tại sao”, một cách phân tích nguyên nhân gốc rễ giúp các nhà khoa học máy tính và kỹ sư tìm ra nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề phức tạp.

Ví dụ bạn đã mắc một sai lầm trong buổi thuyết trình quan trọng – sau đó, hãy bắt đầu với câu hỏi tại sao bạn lại mắc lỗi đấy. Câu trả lời là “Tôi run, tôi lo lắng quá” – bạn tự hỏi tiếp, tại sao? “Là do tôi chưa chuẩn bị đầy đủ cho bài thuyết trình.” – bạn đã  tìm ra vấn đề rồi đấy. Hãy cứ tiếp tục hỏi tại sao cho đến khi bạn tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, lúc đó bạn sẽ xác định được mình cần làm gì cho những lần tới.

Phát triển các chiến lược giải quyết vấn đề là cách tốt nhất để bạn có thể tự đưa mình thoát ra sự trói buộc của “tội lỗi” và sớm tìm ra giải pháp tốt nhất để khắc phục sai lầm. Lời khuyên cuối cùng cho bạn là việc xảy ra đã xảy ra rồi, bạn không thể thay đổi quá khứ, vì vậy bạn cần lấy lại tinh thần sớm nhất có thể để đưa ra giải pháp tốt nhất cho các vấn đề hiện tại – thứ mà bạn có thể thay đổi!

Nguồn tham khảo

Bình luận ( 0 bình luận )

Không có bình luận nào.

Bình luận của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
*