Mặc dù tình hình dịch bệnh đã phần nào ổn định, tuy nhiên vấn đề về nhân lực vẫn đang trong giai đoạn khá hỗn loạn. Nguồn nhân lực đã bị cắt giảm hoặc chủ động nghỉ trong giai đoạn trước, đã và đang tìm việc trở lại. Đồng thời, một số lượng nhân viên hiện tại “xin nghỉ” vì nhiều lý do như: không được tăng lương do dịch, thưởng tết thấp, công việc hiện tại không đáp ứng được nguyện vọng hoặc chỉ đơn giản là muốn thay đổi lĩnh vực, tìm kiếm một môi trường mới.
Người ta vẫn thường nói “Dám từ bỏ vĩ đại” nhưng có phải lúc nào điều đó cũng đúng? Có khi nào, người chấp nhận ở lại mới thực sự mạnh mẽ?
Tiếp tục ở lại hay “từ chức vĩ đại”
Một người bạn của tôi từng trúng tuyển vào một công việc ở bộ phận X tại một công ty sản xuất hàng tiêu dùng vào khoảng nửa năm trước khi đại dịch bắt đầu. Anh ta đã từng nói với tôi rằng anh rất hạnh phúc ở công ty này, anh cảm giác như sự nghiệp của mình thật viên mãn. Tuy nhiên, mới hôm vừa rồi, tôi thật sự đã “choáng nhẹ” khi nghe anh ta tâm sự rằng “tôi không chịu được nữa, tôi muốn nghỉ việc”
Ban đầu, tôi đã nghĩ rằng là do anh ta có tranh chấp với đồng nghiệp hoặc bất đồng quan điểm với “sếp”. Tuy nhiên, câu trả lời tôi nhận được là “Tôi cảm giác tôi không còn là chính mình khi làm ở đây”
Anh giải thích rằng, môi trường công việc và cả sứ mệnh, sản phẩm của công ty không làm anh thoả mãn và tự hào. Anh nói “Tôi không muốn sử dụng các sản phẩm mà công ty mình làm ra. Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao tôi làm làm việc cho công ty này?”
Không chỉ riêng người bạn này, rất nhiều người cũng đang đứng trước những suy nghĩ muốn thay đổi công việc. Một khi chúng ta đã có ý muốn như thế, tự khắc chúng ta sẽ đi tìm lý do để củng cố cho mong muốn này. Tôi không nói tất cả các lý do dẫn đến nghỉ việc đều là do chúng ta tự “thêu dệt” lên. Tuy nhiên xã hội ngày nay đang tồn tại một xu hướng là “sự từ chức vĩ đại”. Nhưng đôi khi, dám ở lại và nhìn nhận lại mọi thứ một cách công tâm mới thực sự là người mạnh mẽ.
Một cuộc phỏng vấn 200 chuyên gia và nhà lãnh đạo về vấn đề này, họ đã đưa ra các lời khuyên dành cho những bạn đang đứng trước suy nghĩ muốn thay đổi công việc. Đây là những hành động bạn cần phải làm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng: tiếp tục hay từ bỏ?
1. Xem xét và đánh giá lại bản thân
Đầu tiên, hãy tự nhận thức lại bản thân. Hãy nắm rõ chúng ta đang biết gì, làm được gì, cần gì và muốn gì. Hầu hết các nhà lãnh đạo hoặc các nhân viên có thành tựu, họ luôn có những mục đích cụ thể và sâu sắc, họ ấp ủ những ước mơ và tham vọng cháy bỏng – những thức thực tế và có thể đạt được. Họ biết họ muốn gì và làm được gì. Chính sự rõ ràng, cụ thể đó đã thúc đẩy họ và truyền cảm hứng cho họ tiếp tục hướng đến giấc mơ và mục đích của riêng mình.
Hãy bỏ chút thời gian trong cuộc sống hối hả này để suy nghĩ về những điều thực sự quan trọng đói với bạn. Công việc hiện tại có giúp cho bạn tiến gần hơn đến mục tiêu đó không?
2. Trả lời câu hỏi “Bạn có thật sự cần mục đích ở trong công việc không?”
Rõ ràng và trực tiếp, tôi đặt ra câu hỏi một cách thẳng thắn dành cho bạn. Bạn nghĩ tất cả giáo viên là những người thích “giúp đỡ người khác học hỏi và phát triển”, bạn có thể nghĩ bác sĩ đều thuộc tuýp người “khao khát cứu giúp những sinh mạng của người khác”.
Không hẳn đâu!
Có thể bạn nghĩ nếu không có những “ước mơ cao quý” đó thì họ sẽ không trở thành một giáo viên hay một bác sĩ giỏi.
Bạn vẫn tiếp tục sai lầm!
Có không ít các giáo viên, bác sĩ có tiếng trong nghề vẫn luôn sẵn sàng trả lời KHÔNG cho câu hỏi “Bạn có ước muốn giúp đỡ người khác học hỏi?” hay “Bạn khao khát được chữ bệnh cho người khác?” Tuy nhiên họ vẫn trở thành những cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực là nhờ vào tinh thần trách nhiệm và hiểu rõ giá trị của bản thân!
Mỗi người chúng ta đều có những mục đích khi làm việc. Có những người họ không cần những cảm xúc “cao cả” trong công việc, họ làm việc để phục vụ những mục đích và ước mơ khác của họ, tuy nhiên họ vẫn là những cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực. Họ chấp nhận một công việc với những mục đích bình thường thậm chí là tầm thường để có được thu nhập, giúp họ hoàn thành những mục đích thực sự của họ. Tuy nhiên xã hội ngày nay đang cố “nhồi nhét” cho các tầng lớp lao động, đặc biệt là các lao động trẻ về “sự tự hào và đam mê trong công việc”. Điều đó là tốt, nhưng đôi khi, nó không hoàn toàn đúng!
Hãy trả lời câu hỏi: bạn có thật sự cần mục đích ở trong công việc không?
3. Thay đổi nhiệm vụ trong công việc
Đôi khi sự chán nản và trình trạng “không cảm hứng” của bạn không phải do bạn đang làm sai ngành mà chỉ đơn giản là những nhiệm vụ bạn được giao hoặc những đầu việc không phù hợp với bạn. Hãy thử nghĩ thay đổi nhiệm vụ bằng cách tự điều chỉnh hoặc nói lại với người quản lý của bạn. Có thể họ chưa hiểu rõ về năng lực và sở trường của bạn, hãy trình bày những suy nghĩ của bạn về việc muốn “thử sức” ở một dự án hoặc nhiệm vụ khác. Đôi khi thứ nhàm chán đối với bạn lại là “đam mê” của một đồng nghiệp khác và ngược lại.
4. Hãy đánh giá lại một cách công tâm về “sếp” của mình
Không ít người luôn tỏ ra “chán nản” và không ngừng than vản về những đồng nghiệp trong công ty, mà thường thấy nhất là về “sếp” của mình. Có thể họ đúng, tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp thì đó đều là những nhận định không khách quan. Con người không ai là hoàn hảo và leader của bạn cũng vậy. Đừng nhìn nhận và đánh giá họ qua những khuyết điểm, hãy công tâm và xem xét những vấn đề thực sự quan trọng đối với bạn.
Sếp có tạo điều kiện cho bạn phát huy khả năng của mình? Họ có giao việc phù hợp với khả năng của bạn không? Họ có đánh giá những thành tựu bạn đạt được là hữu ích không? Đấy chính là những vấn đề mà bạn thực sự cần quan tâm chứ không phải phong cách sống hay các vấn đề cá nhân khác của sếp.
Nếu sếp bạn là một người không quá “giỏi” trong việc đối nhân xử thế nhưng họ vẫn đảm bảo được những quyền lợi cho bạn, giúp bạn có không gian phát huy khả năng và ghi nhận những đóng góp của bạn. Bạn còn mong đợi điều gì nữa? Bạn muốn tìm kiếm một người lãnh đạo hoàn hảo trong mọi thứ? Có thể bạn sẽ mất cả đời để tìm kiếm đấy!
5. Xem xét kỹ những cơ hội mới
Theo nhiều nghiên cứu, một công ty giữ chân tốt nguồn nhân lực thì yếu tố lương bổng chỉ là “thứ yếu”. Sự kết nối và sự trân trọng của ban điều hành dành cho nhân viên mới là yếu tố then chốt.
Vì vậy, nếu bạn chuyển sang một môi trường mới chỉ đơn giản là vì lương bổng, điều đó không sai. Tuy nhiên bạn cần phải xem xét và đánh giá nhiều yếu tố hơn về công ty mới, từ môi trường, đồng nghiệp, phúc lợi và các cơ hội mà bạn nhận được thay vì chỉ quan tâm đến thu nhập hằng tháng.
Giám đốc nhân sự của Microsoft Kathleen Hogan đã từng nói “Bạn sẽ không thực sự làm việc cho Microsoft cho đến khi bạn khiến Microsoft làm việc cho bạn”. Câu nói của Hogan ngầm ám chỉ rằng tại Microsoft, bạn sẽ không làm việc cho công ty mà bạn sẽ cảm nhận được rằng, công ty đang là “công cụ” giúp bạn đạt được những mục tiêu và ước mơ của riêng mình
Nếu bạn đã đánh giá rõ ràng và xác định rằng môi trường mới có thể giúp bạn tiến gần hơn với mục tiêu của mình, hãy dững cảm ra đi. Tuy nhiên, nếu bạn cảm giác ngoài mức thu nhập hậu hĩnh hơn thì công ty mới không có gì tốt hơn hiện tại thì bạn thực sự cần phải xem xét thật cẩn thận trước khi đưa ra quyết định.
Kết lại
Về câu chuyện của người bạn trên, anh ta đã tìm một công việc mới và cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều dù mức lương thấp hơn cả công việc cũ. Tuy nhiên trước khi đưa ra quyết định đó, anh ta đã xem xét kĩ những vấn đề trên.
Hành động “dám bỏ việc” vĩ đại đấy, nhưng người dũng cảm ở lại và suy xét cẩn thận các yếu tố để đưa ra quyết định khôn ngoan nhất còn vĩ đại hơn!
Nguồn dịch: Harvard Business Review
Không có bình luận nào.