Cách cải thiện trí nhớ và thúc đẩy sự nghiệp của bạn

Sau khi đại dịch Covid bùng phát trên toàn cầu, không chỉ sức khỏe mà cả tâm lý của con người cũng phải chịu nhiều ảnh hưởng. Một trong số đó là suy giảm trí nhớ hậu Covid. Có nhiều người đã nói về việc họ cảm thấy trí nhớ họ bị suy giảm, khó tập trung và hay mất bình tĩnh hơn trước.

Một số nghiên cứu cũng cho thấy có tới 60-80% bệnh nhân gặp phải các vấn đề giảm trí nhớ và suy nghĩ chậm chạp sau khi mắc Covid-19. Tuy nhiên ở bài viết này, chúng ta sẽ không đi sâu vào nguyên nhân và tính chính xác của sự kiện này. Thay vào đó, Synnex FPT sẽ hướng dẫn bạn những cách để cải thiện trí nhớ và thúc đẩy sự nghiệp của bạn.

Tại sao chúng ta nên thực hành cải thiện trí nhớ?

Một trí nhớ tốt có thể giúp ích cho bạn ở hầu hết mọi lĩnh vực trong đời sống, không chỉ riêng sự nghiệp. Và ngược lại, khi bạn có một trí nhớ kém, nó có thể cản trở bạn trong công việc hàng ngày cũng như các mục tiêu nghề nghiệp dài hạn của bạn.

Vậy thì, hãy cùng Synnex FPT khám phá các loại trí nhớ thường được sử dụng trong môi trường làm việc, cũng như những vấn đề về trí nhớ có thể làm bạn chệch hướng như thế nào. Bên cạnh đó, chúng ta còn sẽ tìm hiểu về những chiến lược tăng cường trí nhớ để giúp bạn đạt được những mục tiêu trong sự nghiệp.

Các loại trí nhớ thường được sử dụng trong công việc

Nghe có vẻ lạ phải không? Trước đây bạn nghĩ trí nhớ chỉ là… trí nhớ và nó không được phân chia gì cả. Tuy nhiên thực chất thì khái niệm “trí nhớ” lại phức tạp hơn bạn nghĩ vì nó liên quan đến chức năng nhận thức và khả năng của mỗi người trong việc lưu trữ thông tin trong não và truy cập thông tin đó khi cần.

Mặc dù chúng ta có thể xem bộ nhớ là một “thực thể” duy nhất nhưng giờ chúng ta hãy chia nó làm 5 loại bộ nhớ chính mà bạn thường xuyên sử dụng tại nơi làm việc.

1. Trí nhớ làm việc (Working memory)

Là một loại trí nhớ được sử dụng để lưu trữ thông tin và thực hiện các nhiệm vụ tư duy phức tạp. Trí nhớ làm việc là loại trí nhớ cần thiết để chúng ta có thể tập trung, xâu chuỗi thông tin để giải quyết vấn đề và hoàn thành các nhiệm vụ phức tạp trong môi trường làm việc. Ngoài ra nó còn giúp bạn học tập hiệu quả và nhớ lại chi tiết cụ thể các vấn đề đã xảy ra.

2. Trí nhớ ngữ nghĩa (Semantic memory)

Được dùng để lưu trữ thông tin liên quan đến kiến thức, ý nghĩa và ngữ nghĩa của các khái niệm, sự kiện, đối tượng, người,… Trí nhớ ngữ nghĩa là cơ sở để chúng ta có thể hiểu và sử dụng ngôn ngữ trong môi trường làm việc, ví dụ như đọc và viết email, báo cáo, tài liệu hướng dẫn,… Loại trí nhớ này sẽ liên quan đến việc lưu trữ các sự kiện và kiến thức chung trong trí nhớ dài hạn của bạn.

3. Trí nhớ không gian hình ảnh (Visual-spatial memory)

Đúng như tên gọi của nó, đây là loại trí nhớ dùng để lưu trữ và tái tạo lại các thông tin hình ảnh, mô hình và vị trí của các đối tượng trong môi trường. Trí nhớ không gian hình ảnh là cơ sở cho việc chúng ta có thể tìm kiếm và xử lý thông tin hình ảnh, từ việc đọc bản đồ, vẽ sơ đồ đến xem bản thiết kế, hình ảnh quảng cáo hoặc sản phẩm trong môi trường làm việc. Thêm vào đó, nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình dung lại ký ức, giúp bạn ghi nhớ vị trí của mọi thứ.

4. Trí nhớ ngắn hạn (Short-term memory)

Loại trí nhớ này giúp lưu trữ thông tin trong thời gian ngắn. Đây là trí nhớ được sử dụng để nhớ lại các thông tin quan trọng như số điện thoại, địa chỉ, tên khách hàng và lịch hẹn. Việc lưu trữ những “dữ liệu” tạm thời này trong não sẽ đảm bảo bạn gần như luôn sẵn sàng truy cập ngay khi cần.

5. Trí nhớ dài hạn (Long-term memory)

Loại trí nhớ này giúp lưu trữ thông tin trong thời gian dài và thường được sử dụng để nhớ lại kiến thức hoặc thông tin cơ bản liên quan đến công việc của bạn. Bộ não của một người có khả năng lưu trữ gần như vô hạn mọi thứ, từ dữ liệu, kiến thức đến sự kiện và quy trình. Đây là loại trí nhớ mà bạn có thể “tham khảo” trong suốt sự nghiệp của mình nếu trí nhớ dài hạn của bạn đủ mạnh mẽ.

Trí nhớ kém có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn như thế nào

Bạn nhìn thấy các chức năng mà trí nhớ hỗ trợ bạn trong công việc, thật dễ hiểu việc có một “trí nhớ kém” sẽ ảnh hưởng đến công việc và sự nghiệp của bạn thế nào. Đây chỉ là một trong những thách thức mà bạn phải đối mặt khi có một trí nhớ kém:

  • Bạn sẽ gặp khó khăn khi học hỏi những điều mới: Cho dù là quy trình nhân sự, quy trình của phòng ban hay thậm chí là vai trò và nhiệm vụ của chính bạn, bạn sẽ không thể nắm bắt được các chi tiết nếu bạn có một trí nhớ kém.
  • Bạn sẽ khó thích nghi hơn: Để thành công trong môi trường làm việc ngày nay, bạn phải có khả năng thích nghi tốt và có thể rút ra bài học, kinh nghiệm từ những thành công và thất bại trong quá khứ, đòi hỏi một trí nhớ tốt để làm được những điều đó.
  • Bạn không là một người giải quyết vấn đề tốt: Trí nhớ của bạn giúp bạn đổi mới, sáng tạo và tìm ra giải pháp. Một trí nhớ “mờ nhạt” có nghĩa là bạn sẽ có ít khả năng giải quyết các vấn đề trong công việc cũng như trong sự nghiệp lâu dài của mình.

Những cách cải thiện trí nhớ để hỗ trợ sự nghiệp của bạn

Để cố gắng tránh các vấn đề về trí nhớ và có khả năng tăng cường sức mạnh cho não bộ để bạn ở vị trí tốt nhất cho việc “tăng tốc” sự nghiệp của mình, hãy thử các kỹ thuật sau:

  • Ngủ đủ giấc: Có lẽ thật khó để tin rằng một việc đơn giản như đi ngủ sớm hơn lại có thể giúp bạn “thăng tiến hơn” trong sự nghiệp. Nhưng nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng ngủ đủ giấc có liên quan đến khả năng ghi nhớ mọi thứ tốt hơn. Một nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess đã phát hiện ra rằng một giấc ngủ ngon (thường là từ 7 đến 8 tiếng đối với người lớn) đóng vai trò là chất xúc tác cho những thay đổi của não giúp nâng cao trí nhớ.
  • Ăn các loại thực phẩm tăng cường trí nhớ: Theo Harvard Health, một số loại thực phẩm bổ dưỡng có liên quan đến trí nhớ tốt hơn, bao gồm quả mọng, cá béo, rau lá xanh, quả óc chó, trà và cà phê. Điều nữa là nên tránh xa một số loại thực phẩm có liên quan đến việc suy giảm trí nhớ, bao gồm đồ nướng và nước ngọt (nhiều đường), khoai tây chiên và các loại thực phẩm chiên rán khác, bánh mì trắng và mì ống, thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích và những thực phẩm có chứa nitrat .
  • Ưu tiên tập thể dục: Một lựa chọn tuyệt vời khác có thể giúp cơ thể và bộ não của bạn được khỏe mạnh: hoạt động thể chất. Một nghiên cứu khác tiết lộ rằng tập luyện thể dục nhịp điệu và làm một việc gì đó đơn giản như đi bộ sẽ làm tăng kích thước của vùng hồi hải mã (hippocampus) – liên quan trực tiếp đến việc củng cố trí nhớ đặc biệt là trí nhớ ngắn hạn đến trí nhớ dài hạn và trí nhớ không gian.
  • Thường xuyên thiền: các báo cáo trên tạp chí Behavioral Brain Research chỉ ra rằng thực hành thiền định đúng cách hàng ngày trong thời gian ngắn (13 phút) giúp tăng cường không chỉ trí nhớ mà còn cả khả tập trung và tâm trạng. Những lợi ích về trí nhớ bắt đầu sau khi thiền định trong tám tuần (chứ không phải sau bốn tuần). Thiền cũng có thể giúp giảm căng thẳng , điều này cũng đã được chứng minh là làm tăng trí nhớ.

Minh mẩn là chìa khoá cho thành công

Mấu chốt vấn đề ở đây là các cách để tăng cường trí nhớ không hề khó, tuy nhiên bạn cần phải nhận thức và đặt sự quan tâm cho nó. Các hành động như ngủ đủ giấc, ăn uống đúng cách, duy trì thể dục thể thao và giảm căng thẳng bằng một bài thiền ngắn hàng ngày có thể cải thiện đáng kể chức năng bộ nhớ của bạn. Bằng cách giữ cho trí nhớ của bạn nhạy bén thông qua những thói quen có chủ đích quan trọng này, bạn sẽ xây dựng được một nền tảng vững chắc để đạt được thành công lâu dài trong sự nghiệp.

Bình luận ( 0 bình luận )

Không có bình luận nào.

Bình luận của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
*