7 điều bạn không bao giờ nên làm khi bắt đầu một công việc mới

Bắt đầu một công việc mới vừa thú vị lại vừa hồi hộp. Nó cho bạn cơ hội học hỏi những kiến thức, kỹ năng mới, tái tạo lại đam mê và động lực. Nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc bạn phải đối mặt với những thử thách và rủi ro mới, phải hoà nhập với môi trường mới và kết thân với những đồng nghiệp mới.

Hầu hết ở quãng thời gian khởi đầu đều thường tuyệt vời nhưng có 7 lời khuyên mà bạn cần lưu ý để có một khởi đầu thực sự thuận lợi và nhanh chóng hoà nhập.

1. Đừng giả định bất cứ điều gì, đặc biệt là các mốc thời gian

Nhà tuyển dụng hoặc người quản lý của bạn thường sẽ thông báo cho bạn biết địa điểm và thời điểm bạn chính thức “lên tàu”. Tuy nhiên nếu còn vài ngày nữa là đến ngày bắt đầu mà bạn vẫn chưa biết bạn sẽ đến công ty lúc mấy giờ, có mặt ở đâu và gặp ai – hãy chủ động gọi điện hoặc gửi mail cho người đã liên hệ với bạn.

Không có chỗ cho những giả sử hay mặc định, bạn cần biết chính xác các thông tin đó để tránh một ngày khởi đầu không suôn sẻ, bạn có thể đến muộn hoặc lang thang khắp nơi để tìm người hướng dẫn. Bạn sẽ cảm thấy cực kỳ căng thẳng nếu rơi vào tình huống đấy vào ngày đầu tiên nhận việc.

2. Đừng bỏ qua lời đề nghị giúp đỡ của đồng nghiệp

Mình biết có một vài bạn cảm thấy ngại hay sợ làm phiền khi được đồng nghiệp mở lời giúp đỡ, đặc biệt là các bạn mới đi làm. Đừng lo! Mình cũng từng như thế nhưng lời khuyên ở đây là hãy cứ vui vẻ chấp nhận sự giúp đỡ từ họ. Đừng lo là nó khiến người khác đánh giá bạn “kém tài” vì thực tế thì chẳng ai nghĩ như vậy cả.

Ngược lại, điều đó giúp cho đồng nghiệp tự tin và cảm thấy bạn dễ gần hơn, tạo nền tảng cho một mối quan hệ tốt đẹp sau này. Mà thậm chí những “task” đầu tiên của bạn cũng sẽ hoàn thành một cách thoải mái và tốt hơn.

Hãy cứ thoải mái chấp nhận sự giúp đỡ từ

Hãy cứ thoải mái chấp nhận sự giúp đỡ từ

3 Đừng từ chối lời mời ăn trưa

Một cách khác để giúp mối quan hệ với đồng nghiệp của bạn khởi đầu một cách tốt đẹp là nhận lời mời ăn trưa của họ. Nếu ai đó mời bạn dùng chung bữa ăn, có lẽ họ chỉ đang cố gắng hiểu bạn hơn và giúp bạn bớt cảm thấy lạc lõng. Họ hiểu cảm giác lạc lõng và lo sợ khi bắt đầu công việc mới là như thế nào nên họ muốn giúp bạn nhanh chóng vượt qua nó.

Nếu không có một lý do đặc biệt nào đó, hãy đồng ý ăn bữa trưa đầu tiên cũng đồng nghiệp bạn nhé!

4. Đừng để bị cuốn vào những câu chuyện “phiếm” nơi công sở

Cho dù là vào buổi ăn trưa hay trong lúc làm việc, những câu chuyện “drama” có thể xuất hiện ở bất cứ đâu. Không phớt lờ nhưng cũng đừng “tám” về nó. Hãy giữ cho đôi tai bạn mở nhưng miệng bạn đóng lại. Bạn có thể sẽ “thu nhặt” được vài thông tin có giá trị như tâm trạng đang không tốt của sếp bạn hay những thông tin về các phòng ban khác. Tuy nhiên, đừng “đóng góp” bất kỳ ý tưởng hay quan điểm nào của bạn vào cuộc trò chuyện.

Nếu là người mới, đừng để cuốn vào những câu chuyện phiếm

Nếu là người mới, đừng để cuốn vào những câu chuyện phiếm

Ngoài ra, hãy nhớ rằng không phải tất cả những gì bạn nghe được đều là sự thật.

5. Đừng miễn cưỡng áp dụng kiến thức và kinh nghiệm của bạn

Ngay cả khi nhiệm vụ mới của bạn cơ bản khá giống với những việc bạn từng làm trước đây, hãy coi đây là giai đoạn học hỏi và thay đổi. Hãy cởi mở với những kỹ thuật hay kiến thức mới và cách để giải quyết những nhiệm vụ mới (dù nó trông có vẻ tương tự việc cũ).

Chúng ta chưa nói đến tính hiệu quả của các phương pháp thì việc bạn thử một cách mới để giải quyết những đầu việc cũ nó cũng đã khiến bạn hào hứng hơn, giúp bạn thoát khỏi sự nhàm chán và thúc đẩy tiềm năng của bạn.

6. Tuyệt đối không nói xấu về sếp hoặc đồng nghiệp cũ

Khởi đầu thuận lợi và bạn nhanh chóng hoà nhập với môi trường mới, đây chính là lúc bạn dễ mắc sai lầm nhất! Bộc bạch hết nỗi lòng về những thiệt thòi hay oan ức của bạn lúc ở công ty cũ để mong nhận được sự đồng cảm. Dù cho sếp và đồng nghiệp cũ có thực sự “đáng ghét” như bạn kể thì sự thật là bạn sẽ không bao giờ là “vị anh hùng” trong câu chuyện đó, ngược lại rất có thể người nghe chỉ xem bạn là “kẻ phản diện”.

Nói xấu công ty cũ luôn là lựa chọn không hề khôn ngoan, đặc biệt là với nhân viên mới

Nói xấu công ty cũ luôn là lựa chọn không hề khôn ngoan, đặc biệt là với nhân viên mới

Có thể bạn sẽ tìm được tri kỉ ở công ty mới này nhưng tin mình đi, đây chưa phải lúc! Hầu hết các trường hợp những đồng nghiệp mới này sẽ thắc mắc rằng liệu bạn có nói xấu họ như vậy khi bạn nghỉ không. Thế nên dù cho có ấm ức hay bực bội thế nào đi nữa về “chốn xưa”, hãy kể nó với bạn bè, gia đình thay vì là đồng nghiệp mới.

7. Không nên chia sẻ chuyện cá nhân

Dù là bất cứ trường hợp nào đi nữa thì việc chia sẻ những câu chuyện quá cá nhân, tế nhị cho đồng nghiệp đều không nên. Và nó đặc biệt tệ khi bạn chỉ mới vừa kết thân với họ thôi. Bạn cần thời gian để xác định ai có thể giữ bí mật, ai là người có khả năng tạo ra tin đồn chỉ từ câu chuyện của bạn. Nếu rơi vào trường hợp hai, không những uy tín của bạn bị ảnh hưởng mà con đường phía trước của bạn cũng sẽ thực sự khó khăn hơn rồi đấy.

Nguồn tham khảo

Bình luận ( 0 bình luận )

Bình luận của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
*