Đôi khi bạn nên ngừng phân tích tổng thể hay đánh giá rủi ro đi, bởi nó đang kéo bạn lại. Một kế hoạch rõ ràng trước khi hành động là tốt, tuy nhiên việc bị cuốn vào vòng tròn nội tâm lặp đi lặp lại sẽ khiến bạn chẳng đi đến đâu cả.
Có phải bạn đã từng muốn làm một việc gì đó nhưng sau khi lên kế hoạch và nghĩ về các rủi ro thì bạn trì hoãn nó lại? Yên tâm, bạn không đơn độc đâu. Nghiên cứu cho thấy hơn 73% mọi người đang bị suy nghĩ và lo lắng quá mức, điều này khiến bạn bị mắc kẹt trong chính bộ não của mình.
Có một vài chiến lược giúp bạn cảm thấy tự tin hơn, bớt căng thẳng và cải thiện khả năng giải quyết vấn đề, cùng với đó là ngăn chặn thói quen suy nghĩ quá mức, mang lại sự thoải mái khi bạn làm một việc gì đó. Mấu chốt là bạn cần phải đưa ra quyết định tốt hơn và nhanh hơn.
1. Biết thoả mãn
Thoả mãn là một thuật ngữ đề cập đến việc bàn tìm kiếm những thứ thực sự giúp bạn hạnh phúc. Những người hạnh phúc sẽ ưu tiên giải pháp “đủ tốt” – giải pháp giải quyết được yêu cầu của mình hơn là tìm kiếm “phương án tối ưu”. Thực tế cho thấy hành trình đi tìm phương án tốt nhất lại thường… gây hại hơn là có lợi.
Những người luôn tìm kiếm sự hoàn hảo thường bị cuốn vào những suy nghĩ quá mức, ít cảm thấy hài lòng với phương án hay kết quả và thường hay so sánh mình với người khác một cách tiêu cực. Để tránh tình trạng này, bạn cần phải biết thoả mãn và làm rõ mục tiêu thực sự của mình. Đưa ra các tiêu chuẩn và những mục tiêu ưu tiên, chấp nhận những phương án giúp bạn hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra từ đầu thay vì cố gắng tìm phương án tốt nhất.
Ví dụ, bạn đang cân nhắc có nên chọn một công việc mới không? Hãy xem xét các tiêu chí như:
- Vị trí mới có phù hợp với điểm mạnh của bạn không? Phù hợp ở mức độ nào?
- Bạn có thoải mái với môi trường mới không?
- Tiềm năng phát triển và kiếm tiền ở vị trí mới
- Bạn có học được những kỹ năng mới ở đấy không?
- Nó có phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của bạn không?
Khi làm rõ những câu hỏi trên, bạn sẽ thực sự biết mình đang cần gì và có nên chuyển việc hay không.
2. Tự tạo áp lực tích cực
Định luật Parkinson (được đặt theo tên của người phát mình) chỉ ra rằng “một nhiệm vụ đơn giản được thực hiện trong khoảng thời gian dài cũng trở nên phức tạp và tiêu tốn hết khoảng thời gian đó. Khi thời gian phân bổ cho nhiệm vụ đó ngắn hơn, nó cũng được giải quyết đơn giản và dễ dàng hơn.”
Nói dễ hiểu thì có bao giờ bạn gặp phải tình huống là bạn cần một tháng để hoàn thành một dự án nào đó. Nhưng sau này khi gặp lại nó và thời hạn là một tuần, bằng một cách nào đó bạn vẫn hoàn thành đúng thời hạn. Có kỳ lạ không?
Thục tế điều này xảy ra là vì bạn đã mở rộng kế hoạch và suy nghĩ quá mức cần thiết khiến cho công việc đã lắp đầy thời gian. Đây là lúc mà sự ràng buộc tự tạo ra giúp bạn có trách nhiệm với thời hạn. Trong công việc, bạn có thể nói với người quản lý mốc thời gian mà bạn sẽ trình bày kết quả (có thể là cả dự án hoặc từng phần) để bạn không bị trì hoãn hay “lăn tăn” mất thời gian tước những lựa chọn.
Ngoài ra thì theo nghiên cứu của Hiệp hội Phát triển Tài năng thì tỉ lệ thành công của bạn tăng lên 95% chỉ bằng cách bạn cam kết thực hiện điều gì đó với người khác. Việc tạo ra giới hạn bên ngoài giúp bộ não của bạn bắt đầu hành động và mất ít thời gian cho việc nghiền ngẫm về mọi thứ.
Một cách khác giúp bạn duy trì hiệu suất và hoàn thành nghiệm vụ là kỹ thuật Pomodoro. Hãy đặt đồng hồ 25 phút và sau 25 phút làm việc tập trung thì bạn sẽ nghỉ ngơi 5 phút. Sau 4 phiên thì nghỉ dài hơn từ 15 – 30 phút.
Để hạn chế việc suy nghĩ quá mức khi làm việc, bạn có thể tự giới hạn nguồn thông tin đầu vào. Ví dụ, mình là copywriter và đang viết bài về một chủ đề nào đó, mình sẽ tìm những nguồn tham khảo cần thiết rồi lọc lại một lượt, chỉ để lại những nguồn chất lượng nhất và sau đó mới bắt đầu viết những dòng đầu tiên.
3. Lắng nghe trực giác của bạn
Nghe có vẻ hơi “mông lung” phải không? Tuy nhiên ở một vài tình huống thì trực giác của bạn lại chính xác hơn nhiều so với bộ não lý trí đấy. Mình không khuyên bạn hãy hành động cảm tính và không suy nghĩ nhưng bạn hãy thử “tin tưởng” trực giác của mình nhiều hơn.
Khi bạn đã có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong một lĩnh vực nào đó, trực giác của bạn sẽ càng “sắc bén” hơn. Trực giác đôi khi cho bạn câu trả lời rất nhanh mà không trải qua quá trình suy luận có ý thức. Bạn không biết chính xác tại sao giải pháp đó lại xuất hiện trong đầu bạn, đó chính là kết quả của trực giác.
Trong thời đại dữ liệu lớn (big data), con người cho rằng họ đủ mọi dữ liệu để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất và trực giác là một thức gì đó “sai trái” và không đáng tin. Tuy nhiên có thật là bạn luôn ở trong tình huống hoàn hảo là bạn biết mọi thông tin cần thiết và vận dụng nó chính xác để đưa ra quyết định không?
Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc kết hợp trực giác và tư duy phân tích sẽ giúp bạn đưa ra các quyết định tốt hơn, nhanh hơn và chính xác hơn. Đồng thời bạn cũng tự tin hơn rất nhiều vào lựa chọn của mình thay vì chỉ quyết định dựa trên lý tính. Điều này đặc biệt đúng khi bạn đang đối mặt với rất nhiều lựa chọn và bạn không chắc mình có thể đưa ra một quyết định “thực sự đúng”.
Trên thực tế, các cuộc khảo sát những giám đốc điều hành hàng đầu thế giới đều cho thấy: các nhà lãnh đạo biết tận dụng cảm xúc kết hợp kinh nghiệm sẽ có những quyết định chính xác hơn khi xử lý khủng hoảng. Ngay cả Hải quân Hoa Kỳ cũng đã đầu tư hàng triệu đô la để nâng cao “giác quan thứ sáu” của các Thuỷ quân lục chiến. Điều đó dễ hiểu khi trực giác sẽ hữu dụng hơn rất nhiều so với trí tuệ trong khác tình huống nguy hiểm trên chiến trường.
Làm sao để rèn luyện trực giác?
Bạn đã trải qua những năm tháng dài được dạy về việc tiết chế trực giác? Đừng lo, việc luyện tập có chủ đích sẽ giúp bạn “lấy lại nó”. Hãy thử đưa ra những quyết định nhỏ như việc chọn trang phục mà không cần suy nghĩ quá nhiều. Giơ tay và phát biểu trong cuộc họp mà không cân nhắc, đắn đo. Việc thực hiện những hành động nhỏ một cách nhanh và dứt khoát (mà hậu quả nếu làm sai thì cũng không quá nguy hiểm) sẽ giúp bạn rèn luyện trực giác của mình.
Bằng cách làm quen thường xuyên với những việc nhỏ nhặt, bạn sẽ ít còn bị căng thẳng và áp lực khi đưa ra những quyết định lớn hơn. Cách tiếp cận này sẽ mang lại cho bạn khả năng chịu đựng “sự khó chịu” khi phải đưa ra những quyết định nhanh mà chưa suy nghĩ nhiều.